Xe điện Trung Quốc ‘bủa vây’ thị trường EU: Nguy cơ một cuộc chiến thương mại mới leo thang
Mức thuế tạm thời đối với xe điện Trung Quốc được áp dụng từ ngày 5/7
Theo Asialyst, mức thuế tạm thời đối với xe điện Trung Quốc được áp dụng từ ngày 5/7, trong khi chờ mức thuế chính thức được đưa ra vào tháng 11/2024 để 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu.
Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt thuế tạm thời đối với các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, bao gồm 17,4% đối với Tập đoàn ô tô BYD, 19,9% đối với Geely và 37,6% đối với SAIC. Các nhà sản xuất khác ở Trung Quốc hợp tác với EU sẽ chịu mức thuế 20,8%, trong khi những nhà sản xuất không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế tối đa 37,6%.
Quyết định này được đưa ra sau khi EC điều tra các khoản trợ cấp cho xe điện Trung Quốc và nhận thấy rằng các nhà sản xuất tại nước này được hưởng trợ cấp dẫn tới cạnh tranh không công bằng.
Tuy nhiên, động thái này không đủ để ngăn chặn làn sóng xuất khẩu đang gia tăng của Trung Quốc, vì các ông lớn Trung Quốc trong lĩnh vực này đang đầu tư ồ ạt vào lục địa châu Âu trong chuỗi giá trị ô tô điện.
Trung Quốc khẳng định vị thế ô tô và xe điện
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã khẳng định là thị trường hàng đầu, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về ô tô. Trung Quốc đại diện cho 31% nhu cầu ô tô toàn cầu, 1/3 sản lượng toàn cầu, gấp đôi sản lượng ô tô ở EU và gấp 2,2 lần sản lượng ô tô của Nhật Bản-Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới vào năm 2023 với 5 triệu xe ô tô xuất khẩu.
Thị phần xe điện do Trung Quốc sản xuất tại EU tăng từ khoảng 3% lên hơn 20% trong 3 năm qua. Ảnh: THX |
Ô tô điện và xe lai điện có sạc pin là phân khúc năng động nhất của thị trường Trung Quốc. Năm 2023, xe điện và xe lai điện có sạc pin chiếm 37% thị trường Trung Quốc (so với 22% ở EU) và có thể đạt 45% từ năm 2024. Năm 2023, ô tô điện chiếm 1/4 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, so với 15% của 2 năm trước.
Sự chuyển đổi sang ô tô điện gây ra những tác động lớn mang tính chiến lược. Trong khi các nhà sản xuất ô tô chạy xăng chính trước đây là các tập đoàn liên doanh được thành lập với các nhà sản xuất châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, thì các nhà vô địch về ô tô điện và xe lai điện hoàn toàn là các công ty Trung Quốc. Các công ty này dựa vào chuỗi giá trị công nghiệp và công nghệ hoàn toàn của Trung Quốc.
Hai ví dụ nổi bật nhất về sự chuyển đổi này là BYD và nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới CATL của Trung Quốc. Khởi đầu là BYD gia nhập ngành ô tô vào năm 2003 và trở thành nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới vào quý IV/2023, đứng trên Tesla, chiếm 35% thị trường ô tô điện Trung Quốc. Cùng với xe lai điện, tổng sản lượng của BYD vượt 3 triệu ô tô năng lượng mới vào năm 2023. Được thành lập vào năm 2011, CATL đã trở thành công ty dẫn đầu thế giới về pin lithium-ion chỉ sau 13 năm, với thị phần toàn cầu gần 40%.
Các công ty Trung Quốc đã giành được vị trí dẫn đầu về công nghệ trong phân khúc ô tô và pin điện. Từ vài năm trở lại đây, các công ty này đã chiếm 30-40% hồ sơ đăng ký bằng sáng chế quốc tế trong các phân khúc này. Lợi thế công nghệ này cũng dựa trên vị trí thống trị của ngành công nghiệp Trung Quốc trong việc chế biến các kim loại hiếm dành cho lĩnh vực xe điện, đặc biệt là than chì, niken, lithium hoặc coban.
Thị trường châu Âu - “điểm nóng thế giới”
Cuộc chiến về giá đang diễn ra khốc liệt đối với các phương tiện sử dụng năng lượng mới đã mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trước đối thủ châu Âu. Một nghiên cứu của Tập đoàn Rhodium từ tháng 4 vừa qua có tựa đề “Thuế không đủ cao” cho thấy, sự chênh lệch đáng kể về giá giữa ô tô điện Trung Quốc bán ở thị trường Trung Quốc và EU. Chẳng hạn, mẫu xe Sel U Comfort của BYD được bán với giá 22.000 Euro tại thị trường Trung Quốc so với 42.000 Euro tại thị trường châu Âu, mẫu xe ID.3 của Volkswagen được bán với giá 21.000 Euro tại Trung Quốc so với 32.000 Euro tại châu Âu.
Điểm đặc biệt trong doanh số bán ô tô điện Trung Quốc ở châu Âu là chúng đến từ 3 nguồn khác nhau: từ các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD, từ các tập đoàn liên doanh châu Âu và Trung Quốc được thành lập tại Trung Quốc và từ Tesla xuất khẩu đến châu Âu các ô tô sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải.
Năm 2023, lượng ô tô điện mà các nhà sản xuất Trung Quốc xuất khẩu đến thị trường EU chỉ chiếm gần một nửa tổng doanh số của Trung Quốc tại liên minh này.
Lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc tới thị trường EU đạt 133.000 chiếc vào năm 1999 và 667.000 chiếc vào năm 2023 (tức là tăng gấp 5 lần), chiếm 20% lượng ô tô nhập khẩu của EU. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp ô tô hàng đầu của EU, vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nhà sản xuất Trung Quốc dự đoán thị phần nhập khẩu của châu Âu sẽ đạt 25% từ năm 2024. BYD dự kiến thị phần tổng thể trên thị trường châu Âu là 5% vào năm 2024 và 10% vào năm 2030, điều này sẽ đưa thương hiệu Trung Quốc vào top 3 thương hiệu hàng đầu ở châu Âu, đứng trên Renault, Hyundai, BMW và Toyota.
Trung Quốc “đổ bộ” vào lĩnh vực ô tô châu Âu
Không đợi những trở ngại xuất khẩu thành hiện thực ở thị trường EU, các nhà sản xuất ô tô điện và pin Trung Quốc đã có các hoạt động đầu tư rất đáng kể vào châu Âu. Năm 2019, CATL đã bắt đầu mở một nhà máy sản xuất pin điện cỡ trung bình ở Erfurt (Đức) với công suất lên tới 350.000 pin mỗi năm. Năm 2023, tập đoàn này đã công bố khoản đầu tư lớn hơn nhiều, trị giá 7,3 tỷ Euro vào Hungary. Các nhà máy của CATL sẽ đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn khách hàng châu Âu (Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz, Stellantis,…).
Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị phần ở EU. Ảnh: BYD |
Cuối năm 2022, BYD tuyên bố quyết định lựa chọn Szeged (Hungary) làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở châu Âu và đến tháng 12/2023 quyết định này đã được hiện thực hóa. BYD chưa công bố năng lực sản xuất của nhà máy này, song theo nhận định của các chuyên gia, công suất dự kiến là 200.000 ô tô/năm và nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025. Không loại trừ việc BYD xây dựng nhà máy thứ hai trong những năm tới.
Tháng 7/2022, Volvo, công ty con của tập đoàn Geely của Trung Quốc từ năm 2010, đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ Euro vào Slovakia để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện với công suất sản xuất 250.000 xe mỗi năm.
Hãng sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, SAIC Motors, sở hữu thương hiệu MG (Morris Garages), có trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Anh và các nhà máy ở Trung Quốc. Thương hiệu MG gần đây đã xâm nhập thị trường châu Âu đặc biệt là Pháp với các mẫu xe điện và SAIC đang xem xét việc xây dựng một nhà máy lắp ráp ở châu Âu. Pháp, nơi SAIC lựa chọn để đặt trung tâm phân phối phụ tùng thứ hai ở châu Âu, đang cạnh tranh với Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác để nhà máy của MG được đặt tại Pháp.
Cuối cùng, tháng 4 vừa qua, tập đoàn Chery vừa công bố xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện gần Barcelona ở Tây Ban Nha, liên doanh với tập đoàn Ebro EV Motors của Catalonia. Khoản đầu tư ban đầu là 400 triệu Euro, với mục tiêu sản xuất 150.000 ô tô vào năm 2030.
Nếu tất cả các khoản đầu tư được công bố hoặc đang đàm phán thành công theo dự kiến thì đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ có năng lực sản xuất ở châu Âu từ 600.000-800.000 ô tô điện hoặc xe lai điện, chiếm 12-15% thị trường châu Âu năm 2030.