Xây dựng tư duy sản xuất hàng hóa lớn
Sản xuất nhỏ lẻ chỉ đủ để chống đói
Các tỉnh Tây Bắc, cùng 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An là vùng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ của người lao động chưa cao. Đây cũng là những địa phương đang khó khăn về phát triển công nghiệp, mặc dù có nhiều tiềm năng về thủy điện, tài nguyên khoáng sản.
Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, nghề sản xuất chiếu trúc tại tỉnh Cao Bằng đã có bước phát triển tích cực |
Từ thực tế này, bàn về định hướng phát triển Tây Bắc thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch để tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh, hiện trạng, từ đó đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc.
Theo Phó Thủ tướng, cần quy hoạch vùng Tây Bắc với sự tham gia chủ động, kịp thời của các tỉnh trong vùng. Quy hoạch phải xác định rõ những nội dung ưu tiên, các dự án và chương trình trọng điểm có khả năng đột phá làm cơ sở để bố trí và huy động nguồn lực nhà nước và xã hội. “Do nguồn lực có hạn nên phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện cuốn chiếu “làm đến đâu, xong đến đó”, phát huy hiệu quả ngay để tích lũy nội lực cho vùng. Chỉ có thông qua quy hoạch vùng mới có thể chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún; chấm dứt cách tiếp cận phân bố nguồn lực ngân sách theo cách chia đều mà dựa trên mục đích, hiệu quả lan tỏa, thực sự bền vững” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tương tự, quy hoạch của tỉnh cũng phải đi theo các nguyên tắc và định hướng như quy hoạch vùng. Cụ thể, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phải xác định được các dự án đầu tư ưu tiên nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa vùng sản xuất sản phẩm chủ lực (dược liệu, trái cây, chăn nuôi, du lịch…) với thị trường trong và ngoài nước. Trong đó lưu ý, sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, có khả năng phát triển thành vùng sản xuất nguyên liệu, bởi đây là những sản phẩm mang lại giá trị cao, có thị trường xuất khẩu rất ổn định. Có vùng nguyên liệu rồi, phải phát triển công nghiệp chế biến quy mô để hình thành chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững.
Thực tế, các mô hình nhỏ lẻ, chỉ đủ tự cung tự cấp, đủ để xóa đói nhưng không thể chống tái nghèo. Chính vì vậy, phải phát triển sản phẩm chủ lực đặc trưng của vùng theo quy mô thương mại, cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài thì mới có thể phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để nông nghiệp vùng Tây Bắc phát triển, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đây là bài toán không hề đơn giản. Đã đến lúc, Tây Bắc cần thay đổi tư duy sản xuất nông, lâm ngư nghiệp đơn thuần sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp, kinh tế hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao theo hướng xanh sạch, bảo vệ môi trường. “Bên cạnh những chính sách mới để thu hút, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, các địa phương cần chú ý thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến sâu, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất theo chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp này sẽ đứng sau, hỗ trợ hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại… đổi mới sáng tạo, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Lấy hạ tầng làm nền tảng cho phát triển
Nhấn mạnh đến khả năng kết nối giao thương cho vùng Tây Bắc, kết nối các vùng trung tâm của tỉnh với các tuyến đường cao tốc để nâng cao hiệu quả đầu tư…, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng: Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hạ tầng làm nền tảng cho phát triển. Cụ thể như nghiên cứu, đầu tư thêm đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Lai Châu, Hòa Bình - Mộc Châu, nâng cấp Quốc lộ 279, nâng cấp, xây dựng các sân bay ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, giải quyết các nhu cầu cấp thiết để kết nối đường bộ, đường không các tỉnh với nhau.
Giao thông thuận lợi, các tỉnh Tây Bắc sẽ có thêm nhiều cơ hội kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó có Hà Nội, để liên kết, chia sẻ, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm nghiệp, giảm chi phí logistics, thu hút các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy du lịch phát triển.