Thứ năm 14/11/2024 05:37

Xây dựng Đồng Tiến: Nhà thầu 'bách chiến bách thắng' và bí quyết thành công của ông Nguyễn Mạnh Hải

Phía sau thành tựu của Công ty Xây dựng Đồng Tiến là quá trình trải qua biết bao thử thách với sự gan dạ và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Mạnh Hải.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, nơi Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo") làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an quyết liệt điều tra mở rộng, làm rõ các sai phạm liên quan.

Cách đây ít lâu, Bộ Công an đã yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục rà soát, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu đối với 5 dự án do Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị thành viên thực hiện tại địa phương. Hồi đáp lại đề nghị của cơ quan chức năng, lãnh đạo UBND tỉnh có công văn khẩn gửi các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, rà soát và cung cấp chi tiết tài liệu về tổng vốn đầu tư, cùng các quyết định, văn bản về kinh phí đầu tư cho các dự án trên.

Được biết, cả 5 dự án trong "tầm ngắm" của Bộ Công an đều có quy mô lớn, mang tính trọng điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế sâu rộng của địa phương cũng như khu vực lân cận. Và sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập đến dự án đường Nha Trang - Diên Khánh (còn gọi là đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng) do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi Khánh Hòa làm chủ đầu tư, hồi năm 2015.

Cầu Quán Trường – TP. Nha Trang, một trong những dự án có sự tham gia của Công ty Xây dựng Đồng Tiến

Dự án giao thông quan trọng, đi qua phường Phước Hải, xã Vĩnh Thái, Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) và xã Diên Thạnh, Diên Toàn, Diên An (huyện Diên Khánh) có tổng vốn hơn 1.418 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2020. Dự án gồm 2 gói thầu 6A và 6B, trong đó gói thầu 6A bắt đầu từ ngã ba đường Lê Hồng Phong và Cao Bá Quát đến UBND xã Vĩnh Thái; gói thầu 6B từ UBND xã Vĩnh Thái đến cuối tuyến (giáp Quốc lộ 1A).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi Khánh Hòa, để thi công tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, có tới 888 hộ dân bị ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng, nằm trên địa bàn TP. Nha Trang (493 trường hợp) và huyện Diên Khánh (395 trường hợp). Tổng kinh phí đền bù cho các gia đình này khoảng 200 tỷ đồng.

Về nhà thầu thi công, Tập đoàn Phúc Sơn đã bắt tay cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Yên Lạc - Công ty Cổ phần Xây dựng Đồng Tiến và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu đường số 18.6 (Licogi 18.6) đồng thuận lập liên danh, đảm nhận làm dự án trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, san sẻ khối lượng công việc, phát huy sở trường của mỗi bên. Sau đó, dưới sự giám sát, đôn đốc chỉ đạo từ chủ đầu tư, dự án được nhà thầu gấp rút thi công, dù có lỡ chậm tiến độ khoảng 1 tháng nhưng nhìn chung vẫn đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nam chinh Bắc chiến

Ngoài Tập đoàn Phúc Sơn và Licogi 18.6 - từng là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18, HNX: L18) do ông Bùi Thanh Tuyên làm Tổng giám đốc (hiện đã sáp nhập) là hai cái tên không mấy xa lạ, thì danh tính Công ty Xây dựng Yên Lạc và Công ty Xây dựng Đồng Tiến tới giờ vẫn còn là "bí ẩn" đối với công chúng.

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, nằm cách xa tỉnh Khánh Hòa, Công ty Xây dựng Đồng Tiến địa chỉ đặt ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), được thành lập từ tháng 7/2006. Sau gần 18 năm "chinh chiến" thương trường, Công ty Xây dựng Đồng Tiến đã "lột xác" từ một nhà thầu địa phương trở thành thế lực đáng gờm trong lĩnh vực thi công xây dựng, vươn tay chạm tới không ít các dự án lớn nhỏ khắp cả nước.

Bắt đầu tại "sân nhà" Hà Nội, Công ty Xây dựng Đồng Tiến không mất nhiều thời gian để bắt đầu gặt hái thêm thành công ở các vùng lân cận miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang... để chuẩn bị tiềm lực phục vụ bước đi "Nam tiến" đơn cử với dự án đường Nha Trang - Diên Khánh những năm 2010.

Tính riêng từ năm 2018 đến nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Xây dựng Đồng Tiến đã nộp hồ sơ tham gia 24 gói thầu xây lắp, tổng giá trị trên 3.100 tỷ đồng. Đặc biệt ở chỗ, nhà thầu đất Thủ đô đã thể hiện màn trình diễn "bách chiến bách thắng" dẫu trên cương vị là nhà thầu độc lập hay liên danh. Chưa một lần nếm mùi thất bại dù có là gói thầu trị giá tận hàng trăm tỷ hay "liu riu" chỉ chục tỷ đồng.

Điểm qua một số gói thầu nổi trội tại mỗi khu vực mà Công ty Xây dựng Đồng Tiến giành được, ở Hà Nội, có lẽ ấn tượng nhất thuộc về gói thầu số 02: Thi công xây dựng cầu, đường và tổ chức hệ thống an toàn giao thông thuộc dự án Xây dựng cầu Ngọc Hà vượt qua sông Cà Lồ, huyện Sóc Sơn, hồi tháng 9/2020.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội trên tư cách là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đã lựa chọn Công ty Xây dựng Đồng Tiến là nhà thầu thi công với giá trúng 38.951.768.000 đồng (38,95 tỷ đồng), thấp hơn 245.434.000 đồng giá dự toán, tương đương tỷ lệ giảm giá 0,6% cho ngân sách nhà nước. Giữa thời kỳ khó khăn muôn trùng bởi dịch bệnh Covid-19, gói thầu của Công ty Xây dựng Đồng Tiến khiến không ít đối thủ ganh tị.

Quyết định số 533/QĐ-BQLCTGT ngày 29/9/2020 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

Tại Hà Giang, tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Liên danh Công ty Xây dựng Đồng Tiến - Công ty Cổ phần Taco Trường Sơn - Công ty TNHH Phúc Thành An là nhà thầu cho gói thầu số 05-XL: Thi công xây dựng đoạn Km19+120 đến Km27+480 thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn I) có giá 805.268.586.222 đồng (hơn 805 tỷ đồng). Trong khi đó, giá dự toán là 807.840.215.000 đồng (hơn 807 tỷ đồng).

Xét về tổng giá trị tuyệt đối, nhiều khả năng Quảng Ninh mới chính là "sân chơi" chủ lực của Công ty Xây dựng Đồng Tiến. Trong vài năm ngắn ngủi, doanh nghiệp đã "làm mưa làm gió" vượt qua cả những nhà thầu tiếng tăm của địa phương này để trúng hàng loạt gói thầu "khủng" mà trong số đó phần lớn đến từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long.

Tổng hợp trên Hệ thống đấu thầu quốc gia, giữa hai đối tác này đã nảy sinh 9 hợp đồng kinh tế liên quan đến đấu thầu xây lắp, với số tiền lên tới 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Xây dựng Đồng Tiến cần phải phân bổ lại doanh thu cũng như lợi nhuận cho các thành viên khác trong liên danh, nên khó có thể đưa ra con số quyền lợi chính xác mà doanh nghiệp được nhận.

Tại Vĩnh Phúc, bên cạnh mối quan hệ tương đối thân thiết là Tập đoàn Phúc Sơn của doanh nhân Hậu "pháo", Công ty Xây dựng Đồng Tiến còn xây dựng sự gắn bó nhất định với các ông lớn khác như Công ty TNHH Gốm xây dựng Hoàng Đan Vĩnh Phúc và Công ty Cổ phần Kehin của ông Nguyễn Văn Kết. Minh chứng rõ nhất, là cái bắt tay của họ để hình thành nhóm nhà thầu trúng dự án đường nối QL2 (vị trí trục trung tâm huyện Vĩnh Tường tại xã Đại Đồng) đến ĐT.305 (vị trí chợ Vàng xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương).

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư, có giá dự toán 203.728.718.000 đồng (hơn 203 tỷ đồng) và nhóm liên danh đã bỏ giá 203.306.768.000 đồng, đồng nghĩa tỷ lệ chiết khấu đậm tính tượng trưng cho ngân sách với chỉ 0,2%.

Những dữ liệu trên đang phác họa tầm vóc và sức ảnh hưởng không hề nhỏ của Công ty Xây dựng Đồng Tiến cho dù họ đã cố gắng giấu mình bằng sự kiệm lời và vô cùng kín tiếng trước truyền thông. Cũng ít ai biết rằng, phía sau những thành tựu khó có thể phủ nhận đó, là một quá trình trải qua biết bao thử thách với sự gan dạ và nỗ lực không ngừng nghỉ của vị "thuyền trưởng" Nguyễn Mạnh Hải.

Tầm thế ông chủ Nguyễn Mạnh Hải

Ông Nguyễn Mạnh Hải sinh năm 1974, sinh sống tại Hà Nội. Ông được biết đến là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Xây dựng Đồng Tiến. Mặt khác, ông cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ cổ phần chi phối doanh nghiệp, cùng với các "thân tín" là ông Đào Văn Khánh (SN 1968), ông Vũ Văn Tiến (SN 1962), ông Nguyễn Thành Trung (SN 1983).

Trước tháng 10/2021, vốn điều lệ của Công ty Xây dựng Đồng Tiến duy trì ở mức 30 tỷ đồng suốt nhiều năm. Sau đó, doanh nghiệp tăng vốn lên 50 tỷ đồng rồi 80 tỷ đồng, tính đến lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 4/10/2023. Những tưởng, để đứng ngang hàng trong liên danh có mặt các "đại gia" xây dựng nghìn tỷ như Tập đoàn Phúc Sơn, đáng lý Công ty Xây dựng Đồng Tiến cũng cần trang bị cho mình nguồn vốn tầm cỡ. Nhưng đổi lại, số vốn khiêm tốn có phần không xứng tầm càng cho thấy bí quyết giúp ông Nguyễn Mạnh Hải dẫn dắt thành công Công ty Xây dựng Đồng Tiến được cho là nằm ở chiến lược lãnh đạo tài ba của ông chủ này.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hải cùng các cán bộ, công nhân viên trong sự kiện tất niên cuối năm

Năm 2019, doanh thu của Công ty Xây dựng Đồng Tiền đạt tới 241,9 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 6 lần so với cùng kỳ khi trước. Thời điểm đột khởi này, cũng là lúc doanh nghiệp trúng thêm được không ít gói thầu từ chính quyền Quảng Ninh. Sang đến 2020 - 2022, giữa bối cảnh khó khăn bủa vây ngành xây dựng, nhà thầu vẫn giữ được mức doanh thu 196,4 tỷ đồng và 154,7 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, với tốc độ giảm sút chậm hơn đáng kể nếu đặt cạnh các đối thủ cùng ngành khác.

Trong khi đó, lợi nhuận Công ty Xây dựng Đồng Tiền dao động ổn định khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trên báo cáo và không loại trừ khả năng được chủ động kiểm soát, bởi ngay cả khi doanh thu đột phá năm 2019 gấp 6 lần tương đương 200 tỷ đồng, thì lợi nhuận của họ vẫn chỉ tăng "hời hợt" hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ giỏi kết nối, tìm kiếm công việc về cho Công ty Xây dựng Đồng Tiền, ông Nguyễn Mạnh Hải còn là người có khả năng đàm phán, khi số tiền công nợ luôn đứng ở mức cao hơn nhiều lần vốn tự có. Chẳng hạn, cuối năm 2022, tổng nợ phải trả xấp xỉ 146 tỷ đồng, cao gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu (50 tỷ đồng).

Doanh nghiệp chỉ đi vay ngắn hạn 21,3 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là chiếm dụng được từ chủ đầu tư, khách hàng với số tiền 122,8 tỷ đồng (84% tổng nợ), trong đó 94,9 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn và 27,9 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn. Hiểu nôm na rằng, trong khi đa số doanh nghiệp xây dựng đều gặp khó khăn về vốn, đặc thù ngành này là chủ đầu tư giải ngân theo tiến độ thi công, xây dựng, kéo theo bài toán nợ đọng vô cùng nan giải, Công ty Xây dựng Đồng Tiền lại dễ dàng chiếm dụng được vốn trước từ các khách hàng. Nó nói lên uy tín và vị thế của doanh nghiệp trong mắt đối tác, là bí quyết thành công không dành cho số đông, và là dấu ấn đặc biệt của doanh nhân Nguyễn Mạnh Hải.

Được biết, ông Nguyễn Mạnh Hải còn đang đứng tên cho Công ty Cổ phần Cao su chất dẻo Đại Mỗ - Chi nhánh Hòa Bình. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật ngành công nghiệp, có nhà máy tại Khu công nghiệp Lương Sơn - Hòa Bình. Tiền thân Công ty Cao su chất dẻo Đại Mỗ là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải (nay là Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam), được cổ phần hóa từ năm 2016. Ông Hoàng Đức Trung đang là người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này.

Ngoài ra, cuối năm 2023, Công ty Xây dựng Đồng Tiến là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Phố Lầy, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Dự án Phố Lầy có diện tích gần 7,8ha, với tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng, bao gồm 276 căn nhà ở, trong đó, có 67 căn nhà ở liên kế, 203 lô đất để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng và 6 lô đất còn lại sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương để giao đất tái định cư. Quy mô dân số khoảng 1.388 người.

Hoa Đông
Bài viết cùng chủ đề: Thông tin Đấu thầu

Tin cùng chuyên mục

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Hải Phòng: Người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp

Hộp thư bạn đọc ngày 7/11: Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin; phản ánh liên quan GFDI

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt cơ sở bán vàng Như An Diamond sau phản ánh của Báo Công Thương

Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Tuyên Quang: Kiên quyết xử lý Công ty Hồng Phát làm trang trại nuôi lợn đổ đất thải trái phép

Hà Nội: Trúng đấu giá lô đất gần 7 tỷ đồng, phát hiện bị thiếu 58m2

Mua căn hộ chung cư Phương Đông Green Park, người dân bất an vì dự án vướng loạt sai phạm

TikToker Phan Thủy Tiên lại vướng lùm xùm quảng cáo mỹ phẩm trái quy định

Hà Nội: Mua căn hộ Hado Parkside giá tiền tỷ, cư dân mòn mỏi đợi sổ hồng

Vụ 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu: Phan Thủy Tiên lên tiếng

Hộp thư ngày 24/10: Phản ánh về cửa hàng Owen, mỹ phẩm Kahanna, quán Bar 1900

Đổ 1.000 m3 phế thải vào dự án 48 tỷ tại Hà Nội: Chủ đầu tư nói gì?

Vụ doanh nghiệp ở Thanh Hóa xả thải trực tiếp ra môi trường: Phát hiện thêm nhiều vi phạm

Cục An toàn thực phẩm nói gì về chất Aspartame trong sản phẩm Laura Coffee?

Thanh Hóa: Phát hiện doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp ra môi trường

Laura Coffee điêu đứng vì bị Tiktoker nói sản phẩm có chất gây ung thư

Fanpage quảng cáo vàng Như An "khóa" sau phản ánh bán vàng giả mạo thương hiệu của Báo công Thương