Vụ sạt lở bờ sông uy hiếp nhà dân: Quảng Nam công bố tình huống khẩn cấp
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9/2022 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc (đã bị sạt lở từ cuối năm 2020) tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3ha) và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực và sạt lở gần sát móng 02 trụ điện đường dây trung thế, có nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản và ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc và vùng lân cận. Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và đang lan rộng trong phạm vi khoảng 500m.
Quảng Nam công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế, xã Đại An |
Trước tình huống thiên tai xảy ra tại khu vực trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó. Lưu ý, theo tình hình thực tế tại hiện trường để tiếp tục tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Ngoài ra, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân (nếu có). Tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu để hạn chế tình trạng sạt lở ở những vị trí tiếp theo, nhất là các đoạn có nhiều hộ dân đang sinh sống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình sạt lở và mức độ ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ngành liên quan để theo dõi, chỉ đạo.
Trước đó, báo Công Thương đưa tin, sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này đang uy hiếp nhà cửa và đất sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây.
Người dân cho biết, sau đợt mưa lũ vừa rồi, sạt lở rất khủng khiếp. Có những đêm sạt lở tận 20-40m, áp sát gần nhà dân. “Mấy ngày nay, người dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ, sống trong bất an. Nếu thêm đợt lụt nữa, thì nhà cửa, tài sản sẽ trôi theo dòng nước, không còn gì hết”, bà Huỳnh Thị Huệ (người dân trong khu vực sạt lở) buồn bã nói.
Trước tình trạng đó, những ngày qua, UBND huyện Đại Lộc đã cùng các ngành chuyên môn và địa phương kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án xử lý khắc phục tạm thời, huy động các trang thiết bị, dụng cụ và 200 chiến sĩ dân quân tự vệ cùng với lực lượng người dân tại chỗ để tiến hành vận chuyển các bao tải cát dùng để tạo thành chân móng, liên kết bằng cọc tre và gia cố mái bằng bao cát hoặc vải địa kỹ thuật xếp lớp để giữ mái chống xói lở tạm thời.
Huyện Đại Lộc đã huy động lực lượng đến kè khu vực sạt lở, giữ mái chống xói lở tạm thời |
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, về lâu dài, huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam có phương án đầu tư lại tuyến kè để phục hồi đất, có cơ sở giữ lại khu vực này, đồng thời kiến nghị tỉnh nghiên cứu đập ngăn nước dẫn về nhà máy nước Đà Nẵng để hạn chế sạt lở.