Quy hoạch điện VIII: Hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới |
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Greg Hands đã nêu một số câu hỏi liên quan đến mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam, cũng như những nội dung liên quan Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan tính toán, nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về các khả năng và kịch bản phát triển kinh tế xã hội, năng lượng và môi trường để đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian sớm nhất và sẽ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Hiện nay, nhiệt điện than chiếm khoảng trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam, là một trong số các nguồn cung cấp điện chính đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, duy trì sự vận hành ổn định của toàn hệ thống.
Hội đàm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến |
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã bám sát các mục tiêu trên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, đánh giá một cách toàn diện những tác động đối với việc đảm bảo an ninh cung cấp điện khi xem xét tỉ lệ giảm dần khác nhau của các nguồn điện than.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tới năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài các dự án đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hạn chế tối đa phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.
Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng nguồn nhiệt điện than tới năm 2030 là 40,7 GW, thấp hơn gần 15GW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (55,3 GW vào năm 2030 theo phương án cơ sở). Như vậy, gần 15GW từ nguồn nhiệt điện than trong Quy hoạch VII điều chỉnh đã được loại bỏ, thay thế hoặc đẩy lùi sau năm 2030 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo: chính sách giá bán điện cố định (FIT) đối với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn. Ngoài ra, các dự án điện năng lượng tái tạo còn được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khác như được ưu tiên phát điện, tỷ giá ổn định, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu...
Ngành năng lượng Việt Nam đã và đang trên lộ trình xanh hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch |
Nhờ các chính sách khuyến khích nêu trên, thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2019-2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam (đặc biệt là điện mặt trời). Tính đến 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện NLTT chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện góp phần đảm bảo cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi….
"Với những kết quả, định hướng trên, ngành năng lượng Việt Nam đã và đang trên lộ trình xanh hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hướng đến một xã hội carbon thấp trong những thập kỷ tới" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Cũng tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao những nỗ lực của Vương quốc Anh, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị COP26 năm nay, đã tích cực tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện, đối thoại có ý nghĩa để các bên, trong đó có Việt Nam, tham gia chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm cũng như quan điểm, hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.