Đây là thông tin do Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Đoàn Khắc Việt đưa ra tại cuộc họp thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 20/2.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Đoàn Khắc Việt |
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt, quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ thời gian qua tiếp tục phát triển rất tốt đẹp, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 76 tỷ USD năm 2019, tăng 25% so với năm 2018. “Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ”- ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Việt Nam hiện vẫn đang hưởng quy chế quốc gia đang phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong luật chống trợ cấp của Mỹ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với phía Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại kết quả cho cả Việt Nam và Mỹ.
Trước đó, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi của nước đang phát triển đối với loạt các quốc gia, lãnh thổ như: Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.
Động thái của việc thu hẹp danh sách các nước đang phát triển, kém phát triển theo USTR là để giảm ngưỡng kích hoạt điều tra của Mỹ về việc liệu có gây tổn hại đến công nghiệp Mỹ với trợ cấp xuất khẩu công bằng hay không.
USTR cũng cho biết, tới đây Mỹ sẽ sớm sửa đổi các phương pháp xét tiêu chí các nước đang phát triển phục vụ cho điều tra thuế chống bán phá giá, đồng thời cho rằng, đây là việc cần thiết bởi các hướng dẫn ban hành năm 1988 đã không còn phù hợp.