Việt Nam sẽ tiết kiệm nhiều tỉ USD nếu chuyển sang năng lượng tái tạo
Trong một nghiên cứu mới nhất với chủ đề Tái định hình ngành năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä (Phần Lan) cho biết đã mô phỏng một số kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đến năm 2050.
Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển đổi sử dụng các loại nhiên liệu không carbon khi xây dựng nhà máy điện linh hoạt- ICE |
Kịch bản đầu tiên là kịch bản thông thường với mục tiêu không giới hạn mức phát thải từ ngành điện. Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ phát thải 320 triệu tấn carbon vào năm 2050, tăng gấp ba lần so với năm 2020, và việc đạt mục tiêu Net zero là không khả thi.
Kịch bản thứ hai giảm phát thải 50% vào năm 2050 so với kịch bản thông thường nêu trên; kịch bản thứ ba giảm phát thải 80% lượng phát thải vào năm 2050 so với kịch bản thông thường.
Cuối cùng là kịch bản Net zero với hệ thống điện không phát thải vào năm 2050.
Tất cả các kịch bản đều cho thấy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, xây dựng được hệ thống điện Net zero và đạt được mục tiêu độc lập năng lượng, thì năng lượng tái tạo cần là nguồn chính và cùng với đó là xây dựng nhà máy điện linh hoạt (ICE) và hệ thống pin tích trữ năng lượng.
Tất cả các kịch bản đều đề xuất bổ sung 7 GW công suất nguồn điện linh hoạt ICE vào năm 2030 để hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải vào các giờ cao điểm. Để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần lắp đặt tổng cộng 87 GW công suất nguồn điện ICE để cân bằng hệ thống.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xây dựng một hệ thống điện trung hòa carbon sẽ giúp Việt Nam giảm 20% chi phí sản xuất điện và tránh được gần 28 tỉ USD thuế carbon dự báo mỗi năm vào năm 2050.
Để giảm 80% lượng phát thải của Việt Nam, năng lượng tái tạo cần đạt 76% công suất lắp đặt vào năm 2050, và để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050, 85% sản lượng điện phải đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt sẽ giúp Việt Nam có thể loại bỏ hầu hết các nhà máy điện than vào năm 2040.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc quốc gia Việt Nam, mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä nhìn nhận, kết quả của nghiên cứu cho thấy rõ cơ hội đang trong tầm tay của những người đứng đầu ngành năng lượng tại Việt Nam. Với việc tạo ra một hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề về sự biến động của nhiên liệu hóa thạch và các ràng buộc giảm phát thải, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong tương lai.”
"Giảm phát thải carbon là một quá trình trong nhiều năm, đòi hỏi cần phải lập kế hoạch chặt chẽ, nhưng mục tiêu Net zero của Việt Nam cho toàn nền kinh tế là hoàn toàn khả thi nếu ngành điện thực hiện các hành động cần thiết ngay hôm nay và trong thập kỷ tới để tiến tới một tương lai Net zero vào năm 2050", ông Phạm Minh Thành nhấn mạnh.