Việt Nam làm gì để vượt Thái Lan thu hút khách du lịch?
Chiều 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao vào Du lịch.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ |
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Cần Thơ cho rằng, năm 2024 Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu khách quốc tế với doanh thu khoảng 20 tỷ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi, năm 2024, Thái Lan đặt mục tiêu đón 40 triệu khách quốc tế và doanh thu là 98 tỷ USD, chiếm 12% GDP.
Theo đánh giá, xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Việt Nam xếp thứ 24 và 25 trên 119 nước, đều cao hơn Thái Lan.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguyên nhân vướng mắc và giải pháp để Việt Nam vượt Thái Lan thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới?
Liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công bố năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu, đây là đánh giá có giá trị để nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh. Đó cũng là một khuyến nghị.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu này tại thời điểm năm 2022, khi đó, Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch Covid-19, nên mức độ phát triển chưa như hiện nay, những số liệu tại thời điểm đó nếu so sánh tại thời điểm này thì có thể cần được đánh giá lại.
Theo đó, Việt Nam được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và xếp sau Thái Lan.
Vì vậy, để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất cần giữ cho được các thứ hạng đã được xếp cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn an ninh, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là những điểm nổi trội…
Còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, y tế, vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch cũng đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện.
Chẳng hạn như vệ sinh, y tế là do ngành y tế, địa phương hay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe nhân dân chứ không chỉ liên quan du lịch nhưng trong chừng mực nào đó chưa được quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng, có địa phương trọng điểm của vùng du lịch nhưng bố trí kinh phí kiểm tra, kiểm định chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm có 500 triệu đồng.
“Với số tiền này, đoàn của Sở Y tế đi làm vài cuộc là hết bởi lấy test, kiểm tra vệ sinh không phải bằng mắt mà bằng công cụ khoa học” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị chính quyền địa phương cũng cần tập trung, bởi vấn đề này không phải chỉ cho du lịch mà đời sống, sức khỏe của nhân dân, con cháu, giống nòi…
Về hạ tầng du lịch, Bộ không được thẩm quyền quy định đầu tư, không được phép đầu tư mà do địa phương lập dự án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nên mong muốn làm để cải thiện chỉ tiêu. Khi đó xếp hạng sẽ tăng lên, khách sẽ đến.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn Quảng Ngãi về giải pháp để nâng cao trình độ nhân lực du lịch chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu.
Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70% và 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác. Hiện nay, chúng ta đã có 8 trường Cao đẳng Du lịch theo từng vùng, đào tạo ra thì các doanh nghiệp đều nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đào tạo như Saigontourist, Hanoitourist…
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.