Xu hướng “bình thường mới”
Xuyên suốt năm 2019, các hiện tượng trước đây được xem là bất thường của nền kinh tế toàn cầu đã xảy ra thường xuyên hơn và được biết đến như những điều “bình thường mới”. Cụ thể trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt trên trạng thái "Bình thường mới"" |
Đánh giá tại hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt trên trạng thái "Bình thường mới"" – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020, diễn ra chiều ngày 6/1, tại TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: kinh tế toàn cầu đã chứng kiến một đường cong Phillips phẳng, cho thấy lạm phát không gia tăng nhiều khi nền kinh tế toàn dụng lao động (tăng trưởng ở mức cao). Bên cạnh đó, đường cong lợi tức đảo ngược, điều mà trong quá khứ đã từng xảy ra vào “đêm trước” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, nay đã không còn là tín hiệu cho một cuộc khủng hoảng.
Bên cạnh những diễn biến “bình thường mới” toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chuyển đổi sang “trạng thái mới”. Theo đó, các yếu tố như nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung ngày càng diễn biến khó lường và vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu. Những diễn biến trên làm cho bức tranh thương mại và FDI vào Việt Nam có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2011- 2016.
Năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng ngoạn mục với tỷ lệ 17,7% và vốn đăng ký FDI tiếp tục tăng trưởng khá. Vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ- Trung phần nào có tác động đến sự dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam và hỗ trợ hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Như vậy diễn biến “không bình thường” của kinh tế thế giới lại góp phần tạo ra “trạng thái mới” ở Việt Nam.
Xu hướng kinh tế toàn cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam
Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017- 2018. Nhìn bức tranh tăng trưởng từ 2017 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Đây là mức tăng trưởng ổn định, cao hơn đáng kể so với trước đây.
Nhìn về triển vọng phát triển kinh tế 2020, TS. Nguyễn Đức Trung chia sẻ, xu hướng “bình thường mới” của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế. Lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại.
Ngoài ra, việc củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn... cũng là những giải pháp quan trọng của Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục thực hiện để tiếp tục có một năm 2020 tăng trưởng thành công.
Tuy nhiên, tình trạng "bình thường mới" này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước các rủi ro tài chính xuất phát từ sự lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng khá đồng thời lạm phát và lãi suất dài hạn kỳ vọng ở mức thấp. Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình như tắc nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU, và quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU có nguy cơ tạo ra những cú sốc thương mại đối với một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam.