Việt Nam có nhiều cơ hội xác lập vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn
Vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ /chu-de/cong-nghiep-ban-dan.topic, chiều 24/4, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam cho hay, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội rất lớn đối với tất cả các quốc gia quan tâm đến phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ở các quốc gia đã phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là các công ty toàn cầu như Intel, đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo ông Phùng Việt Thắng: "Để làm được điều đó thì Việt Nam cần những chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng đồng thời cũng không có nhiều thời gian. Vì vậy, phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể. Chiến lược này liên quan đến nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ…".
Trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi một công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Theo đó, cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực để phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Về nguồn nhân lực nói chung của Việt Nam, từ những ngành đào tạo gián tiếp, đào tạo cơ bản hay đào tạo trực tiếp đều có tính sẵn sàng cao. Song, cần có những chính sách làm cầu nối như các cơ sở đào tạo; hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp toàn cầu nước ngoài.
Hợp tác giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ tự động có các cơ chế về thương mại cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ và qua đó sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới.
Một điểm nữa là về profile, chế tạo mẫu. Việc này đặc biệt quan trọng. Muốn có các sản phẩm mẫu thành công, cần phải có cơ chế khuyến khích thị trường chấp nhận sản phẩm đó.
Ngoài ra, bán dẫn và IA là hai lĩnh vực không tách rời nhau và nếu có chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn thì cũng cần có chính sách cụ thể để phát triển IA đi cùng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và đi trước về bán dẫn, cho nên đây cũng là một lực kéo rất là tốt cho IA phát triển.
Cuối cùng, nguồn nhân lực ở nước ngoài vô cùng quan trọng, có thể giúp chúng ta vừa đảm bảo chất lượng đã được kiểm chứng ở trên thị trường, đồng thời cũng rút ngắn thời gian để có thể bắt kịp được năng lực của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và phục vụ cho nhu cầu trong nước. Vì vậy, cần phải có chính sách để thu hút nguồn lực nhập khẩu này.
Việt Nam có tiềm năng lớn về trí tuệ nhân tạo
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc điều hành Google Việt Nam cho hay: Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên nhất của sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Là một đơn vị lãnh đạo tư tưởng trong phát triển trí tuệ nhân tạo, Google nhận thấy được tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo đối với Việt Nam.
"Chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và Google đã và đang đầu tư vào thị trường này, bao gồm cả đầu tư vào các chương trình nâng cao kỹ năng số cho người dân Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng những nỗ lực này và đặc biệt tập trung vào những chương trình trí tuệ nhân tạo" - Giám đốc điều hành Google Việt Nam nói.
Giám đốc điều hành Google Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giám đốc điều hành Google Việt Nam góp ý, đầu tiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Ví dụ như với những thị trường mới nổi, rất cần cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển tài năng trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai không kém phần quan trọng là kế hoạch nâng cao kỹ năng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ. Các nền kinh tế được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo yêu cầu phải có một lực lượng lao động thông thạo về trí tuệ nhân tạo.
Theo Giám đốc điều hành Google Việt Nam, gần đây Google đã cam kết đối với thị trường Việt Nam sẽ đưa ra 40.000 suất học bổng Chứng chỉ nghề nghiệp của Google về trí tuệ nhân tạo trên khắp Việt Nam. Chương trình này sẽ trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để họ có thể phát triển bản thân trong thị trường việc làm về trí tuệ nhân tạo.
Google cũng cung cấp những tài nguyên về trí tuệ nhân tạo dựa trên điện toán đám mây của Google cho các sinh viên và các lập trình viên vì Google thấy rằng việc cung cấp này sẽ mang lại những kết quả nghề nghiệp cho người học ở Việt Nam.
Ngoài ra, Google cũng rất vui mừng được đưa ra chương trình đào tạo bởi các chuyên gia và cố vấn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Google cho sinh viên và các nhà lập trình về vấn đề cung cấp tín dụng và điện toán đám mây, quyền truy cập vào tài nguyên trí tuệ nhân tạo của Google như GPU, Vertex Al, Gemini để họ có thể phát triển và thử nghiệm nhanh chóng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Google mong muốn được hợp tác với các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để tiếp tục làm việc và phát triển thị trường trí tuệ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Google cho rằng Chính phủ nên đưa ra những chính sách mang tính hỗ trợ để thúc đẩy thành lập một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ, bao gồm những chính sách về ưu tiên điện toán đám mây.