Việt Nam có dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới
Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, kéo dài và toàn diện đến kinh tế-xã hội các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, trong đó GDP quý III âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%; hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế |
Trong bối cảnh đó, được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Các chính sách hỗ trợ chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như: Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, tiền điện, nước, học phí, thì quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
“Tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP) thì mức hỗ trợ này vẫn là mức thấp” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế; thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.
Cũng với quan điểm này, ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam – cho rằng: Các gói hỗ trợ của Việt Nam còn bé, lại chủ yếu tập trung vào các chính sách giảm, hoãn thuế, không hỗ trợ trực tiếp vào chi tiêu. Ông Francois Painchaud khuyến nghị, Việt Nam cần nới lỏng hơn các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Mạnh dạn chấp nhận mức bội chi ngân sách cao hơn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021, và Nghị quyết 107/NQ-CP, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023, với những định hướng phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19; với những giải pháp hỗ trợ trước mắt khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, chương trình phục hồi kinh tế phù hợp cũng sẽ giúp Việt Nam không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái “bình thường mới” và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu. Đồng thời, giúp Việt Nam tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Tuy vậy, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng: Muốn phục hồi kinh tế, Việt Nam cần mạnh dạn chấp nhận mức bội chi ngân sách cao hơn hiện nay, thay vì “tự trói ta” ở mức bội chi 3-4%. Bởi theo ông Nguyễn Đình Cung, Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới, đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ, hệ thống tài chính ổn định và đặc biệt, bội chi ngân sách còn thấp.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công để hỗ trợ nền kinh tế, theo đó tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm %, từ 3,2% lên 10,2% trong thời gian qua.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm: Kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; Hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, chuyển đổi số…; Phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; Phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước; Phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.