Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu vừa công bố sáng nay (29/7) theo hình thức trực tuyến.
Hạ dự báo tăng trưởng 1-1,5%
Khát quát bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phủ một màu xám do tác động ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và những quyết sách mà các quốc gia đưa ra để chống lại dịch bệnh, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt 2,91%. 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,64%, với những chỉ số kinh tế vĩ mô khá ổn định, xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh, lạm phát tăng thấp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được giữ vững, tình hình doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh… điều này có được do Việt Nam có sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Việt Nam cần tạo cơ hội để tận dụng tốt các FTA đã ký kết |
Tuy nhiên, theo ông Andreas Stoffers – Giám đốc Viện Friendrich Naumann (FNF) tại Việt Nam: Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp, với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, một số địa phương của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phải thực hiện giãn cách, chưa biết khi nào mới gỡ bỏ, trong khi đó tình hình kinh tế toàn cầu thì chưa có gì rõ ràng… do đó thách thức đối với nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 là rất lớn.
Trước những thách thức trên, Báo cáo của VEPR đưa ra 3 dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021. Trong đó, kịch bản cơ sở là kịch bản được đánh giá dễ xảy ra nhất, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát vào cuối quý III/2021, tiêm chủng được đẩy nhanh và các hoạt động kinh tế hoạt động gần như bình thường trở lại vào đầu quý IV/2021, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4,5-5,1%; Kịch bản xấu là trong khi các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt kéo dài đến quý IV/2021, các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 3,5-4%; Kịch bản tốt, khi các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay trong tháng 8/2021 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 5,4-6,1%.
“Như vậy, so với được công bố trước đó, dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2021 đã bị giảm khoảng 1-1,5%”, đại diện Trường Đại học Kinh tế cho biết.
Khuyến nghị chính sách
Khuyến nghị chính sách quan trọng cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - cho rằng: Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế Covid-19, như đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 cần thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả cao hơn. Vì đa số, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua chưa mang lại nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.
Với chính sách tiền tệ, cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất. Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu.
Về các giải pháp trung và dài hạn, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Song song với đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTA trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các FTA phát huy hiệu quả.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Khả năng kiểm soát dịch bệnh và cách chống dịch, về hiệu quả đầu tư công và các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, hỗ trợ ở đây không đơn giản chỉ là tiền, mà cần có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, bắt nhịp được với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA đã ký kết. |