Việc làm là 1 trong 3 vấn đề tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với công nhân
Theo kế hoạch, thời gian 1 buổi, dự kiến diễn ra từ khoảng thời gian 20/4 - 20/5/2024, chương trình tiếp xúc cử tri tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) trong năm 2024, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Trong Tháng Công nhân 2024, công đoàn sẽ phối hợp tổ chức hoạt động Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri công nhân |
Vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân, lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân…
Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tiếp xúc cử tri theo hình thức trao đổi trực tiếp giữa đại biểu Quốc hội, lãnh đạo hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương với đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động.
Thành phần gồm: Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố; đại biểu Quốc hội của địa phương; đại biểu chuyên trách thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương; đại diện Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; đại biểu đoàn viên, công nhân, lao động.
Trong chương trình sẽ tặng quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi địa phương căn cứ vào số lượng đoàn viên và số cuộc tiếp xúc cử tri sẽ tặng từ 100 – 300 suất quà, bằng tiền mặt, trị giá 1 triệu đồng/suất. Dự kiến, đầu giờ trước khi tiếp xúc cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đi thăm nhà xưởng, nơi sản xuất kinh doanh còn khó khăn, khu nhà trọ hoặc nhà lưu trú công nhân để đại biểu Quốc hội thấy rõ thực trạng việc làm, đời sống, nhà ở công nhân hiện nay.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mục đích tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân, lao động về việc làm, thu nhập, đời sống, cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Qua đó, đại biểu Quốc hội tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế.
Chương trình là một trong các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2024, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn đối với công nhân, lao động. Thông qua chương trình góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân, lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.