Ảnh minh họa
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Viber rời khỏi Việt Nam- nơi được coi là thị trường ứng dụng dịch vụ miễn phí qua mạng internet (OTT) đầy tiềm năng, là niềm khao khát của các “gã khổng lồ” Zalo, Kakao talk, Line, Beetalk...?
Lý do là: Viber đang chiếm hơn 50% thị trường Việt Nam, sẽ chiếm tới 60% thị trường trong năm 2015 với 23 triệu người dùng. Viber Việt Nam đã hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng vững chắc cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam... Nghe rất thuyết phục.
Song, ở một diễn biến khác, các chuyên gia viễn thông nhìn nhận, Văn phòng đại diện Viber Việt Nam đóng cửa có một nguyên nhân “khó nói” khác ẩn sau những “đại tuyên ngôn”.
Viber ra đi có thể là động thái “né luật”. Dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet đang lấy ý kiến rộng rãi của xã hội. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet nước ngoài (có thu tiền hoặc không) như Viber phải hợp tác với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam thì mới được cung cấp dịch vụ. Vì vậy, giải pháp khôn ngoan nhất là... đóng cửa, bởi nguồn thu chính của Viber là các dịch vụ tiện ích như Voice Out, Stickers có thu tiền?
Đại diện một mạng di động Việt Nam bật mí, nếu căn cứ số người dùng OTT chạy trên 3G của nhà mạng, số người dùng Viber tại Việt Nam chỉ khoảng 4- 5 triệu, số thuê bao chạy qua wifi thấp hơn nhiều lần so với 3G.
Thị trường OTT Việt Nam là “chiếc bánh ngon”, cơ hội chia đều cho các nhà cung cấp dịch vụ. Phải chăng vì kinh doanh chưa khả quan cộng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các OTT Việt, nên Viber khó “ăn nhiều bánh”?