Vì sao thị trường mở rộng nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tháng 3/2023 đạt hơn 72 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 180 triệu USD, giảm 30% so với quý I/2022.
xuất khẩu cá ngừ |
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường nhỏ nhưng lượng tăng không đủ bù đắp. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn trên thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo.
Theo số liệu thống kế của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2023 đều giảm so với cùng kỳ, trừ các nhóm mặt hàng cá ngừ chế biến khác (mã HS16), trong đó chủ yếu là loin cá ngừ (phần thịt thăn dọc sống lưng của cá ngừ) hấp đông lạnh.
Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh vẫn là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực chiếm 51%. So với quý I/2022, xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong quý I/2023 giảm mạnh 49%, đạt hơn 91 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã có sự phục hồi tuy nhiên lượng phục hồi không nhiều nên không đủ bù đắp cho lượng sụt giảm trong tháng đầu năm. Xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong quý I/2023 vẫn giảm 10%.
Đáng chú ý trong quý I/2023, tỷ trọng xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ chế biến khác mã HS16, trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong quý I/2023 tăng tới 44% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 3/2023, cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang hơn 85 thị trường trên thế giới. Trong đó Mỹ, Israel, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và Thái Lan là 6 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023.
Tại thị trường Mỹ, mặc dù lạm phát hạ nhiệt, giá xăng giảm, nhưng các chi phí sản xuất và giá các sản phẩm thiết yếu của Hoa Kỳ vẫn cao, nên người dân vẫn phải thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này, và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn. Tính đến hết tháng 3/2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 64 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn tại thị trường EU, xuất khẩu sang thị trường này sau khi sụt giảm trong tháng 2 đã tăng nhẹ 5% trong tháng 3. Top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối đã có sự thay đổi. Italy với tốc độ tăng trưởng “đột phá” 254% trong tháng 3 đã thay thế cho Tây Ban Nha trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 trong khối. Cùng với Italy, xuất khẩu sang Hà Lan vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khả quan trong tháng 3, đạt 52%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Đức lại sụt giảm 30% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang thấp hơn so với cùng kỳ. Mặc dù xuất khẩu sang Nhật Bản và Mexico vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3, nhưng xuất khẩu sang Canada vẫn tiếp tục giảm sâu. Chính vì thế tính đến hết tháng 3, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường CPTPP vẫn giảm 14%, chỉ đạt hơn 26 triệu USD.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada,… giảm, xuất khẩu sang các thị trường nhỏ lẻ như Hàn Quốc, Peru, Anh, Trung Quốc và Hồng Kông, hay Algeria… tăng mạnh. Một số thị trường có mức tăng trưởng lên tới 3 con số như Hàn Quốc tăng 636%, Anh tăng 182%, Algeria tăng 426%.
Hiện tại, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao lên mức đỉnh, kéo theo giá cá ngừ trong nước tăng. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại một số thị trường lớn như các nước EU vẫn ở mức cao, có thể kéo dài tới 2-3 tháng tới. Do đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này sẽ vẫn thấp trong quý tới. Và dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý II/2023 vẫn khó có thể tăng so với cùng kỳ.