Vì sao nhiều khu đất dự án tại thành phố Đà Nẵng chậm triển khai nhưng không thu hồi?
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X (2021 – 2026) diễn ra chiều 13/7, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã dành nhiều sự quan tâm liên quan đến các vấn đề đất đai, môi trường. Trong đó nổi bật là quản lý đất trống, xử lý các khu đất trống để lâu nhưng không có công trình xây dựng.
Đại biểu Lê Nguyễn Mậu Cường thắc mắc hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án chậm triển khai, nhiều dự án được giao đất từ năm 2010, 2015 nhưng chưa triển khai. Mặc dù năm 2017, thành phố đã rà soát nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa đầu tư, và thành phố cũng không thu hồi dự án.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng việc xử lý các dự án, khu đất đã giao cho chủ đầu tư nhưng chậm trễ triển khai dự án gặp nhiều khó khăn |
Thông tin về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng vấn đề xử lý các khu đất dự án chậm triển khai là vướng mắc chung của nhiều tỉnh thành.
Theo ông Hùng, Luật Đất đai (điểm i, khoản 1, điều 64) đã quy định rõ việc xử lý các dự án, khu đất chậm triển khai dự án nhưng trong quá trình đưa vào thực thi có nhiều vấn đề phát sinh.
Tại thành phố Đà Nẵng, từ năm 2016, qua rà soát, thành phố đã kiểm tra 206 dự án và khu đất. Xác định 81 trường hợp có vi phạm điểm i, khoản 1, điều 64, Luật đất đai (chậm đưa đất vào sử dụng sau 24 tháng được giao đất), đã xử phạt và nộp ngân sách hơn 345 tỷ đồng. Đối với khu đất của hộ gia đình cá nhân, Sở Tài nguyên & Môi trường đã triển khai vấn đề này đến các quận huyện. Đến nay đã thực hiện gia hạn 53 khu đất dự án của gia đình cá nhân, thu số tiền của việc gia hạn là hơn 68 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng, do đặc thù của thành phố nên các dự án để đất trống không triển khai dự án, cùng không thể thu hồi. Bởi, trước đây, thành phố có tình trạng giao đất và cho thuê đất không có dự án. Sau đó, chủ đầu tư mới lập quy hoạch, lập dự án, lập thủ tục để tiến hành triển khai thi công công trình. Tuy nhiên, vướng mắc của các dự án này phần lớn những khu đất này rơi vào các sai phạm đã được kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, chủ yếu vướng về chưa hoàn thành nghĩa vụ tại chính theo đúng quy định. Vì không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên khi tiến hành các thủ tục hầu như không được giải quyết ví dụ như cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư đều vướng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai điều chỉnh quy hoạch, lập dự án có những vấn đề phát sinh buộc phải điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt chi tiết… Đây là những yếu tố khách quan dẫn đến các dự án không thể triển khai được.
Nhiều khu "đất vàng" tại trung tâm thành phố Đà Nẵng đã bỏ trống nhiều năm nhưng vẫn chưa thể triển khai dự án cũng không thể thu hồi |
Đề giải quyết vấn đề này theo ông Hùng các Sở ban ngành phải cùng doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao đất, cho thuê đất, từ đó, hoàn tất các thủ tục cho các dự án.
Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi đến các chủ sở hữu đất để có các khuyến cáo các chủ đầu tư tích cực cùng các Sở ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa đất vào sử dụng.
Trong trường hợp chủ đầu tư chây ì và chủ đầu tư không đủ năng lực, Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ tham mưu UBND thành phố thu hồi khu đất, dự án.
Luật Đất đai (điểm i, khoản 1, điều 64) quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp do bất khả kháng. |