Thứ tư 25/12/2024 12:57

Về thăm "địa chỉ đỏ"

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do CCB Bùi Xuân Phước xây dựng đã trở thành "địa chỉ đỏ" - nơi tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao của Bác Hồ kính yêu.

Những ngày gần dịp Lễ Quốc khánh, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Phước Tân (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) rất đông đoàn khách tham quan. Khu tưởng niệm Bác Hồ do ông Bùi Xuân Phước (88 tuổi, ngụ thôn Phước Tân) dành toàn bộ công sức, tiền bạc để xây dựng. Ông Phước từng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Dù ở độ tuổi "thượng thọ", ông Phước vẫn tự mình đón khách, hướng dẫn tham quan, thuyết minh hiện vật. Bước vào Khu tưởng niệm rộng gần 2.000m2, nơi được nhiều người gọi với cái tên "Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ tại TP. Nha Trang", du khách sẽ thắp hương tại đền thờ, sau đó tham quan không gian trưng bày trên 100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ.

Để có được "Bảo tàng thu nhỏ" về Bác Hồ, người cựu chiến binh này đã dành hơn 20 năm ròng rã xây dựng, sưu tầm những hiện vật, bức ảnh quý về Bác. Ông Phước kể, khi còn nhỏ, ông đã được học và rất ngưỡng mộ Bác Hồ, dự định lập khu tưởng niệm đã nhen nhóm trong lòng ông. Trong suốt quãng thời gian công tác tại Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bây giờ), ông Phước bắt đầu sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Bác. "Hồi đó, nghe đâu có tư liệu liên quan đến Bác là tôi tìm đến để xem, xin in thành nhiều bản, đưa về trưng bày ở bảo tàng - nơi mình làm việc, số còn lại mang về trưng ở nhà" - ông Phước nói.

Ông Bùi Xuân Phước và mô hình ngôi nhà sàn được phục chế từ chính ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954

Đến năm 1995, sau khi thôi giữ chức Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, ông Phước quyết định hiện thực hóa ý định xây Khu tưởng niệm về Bác Hồ. Trước khi bắt đầu, ông rong ruổi tại khắp các tỉnh, thành phố để sưu tầm tư liệu, hiện vật về Bác, đồng thời học tập cách trưng bày, thuyết minh về Bác ở các bảo tàng khác. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, tháng 10/1997, ông Phước dồn số tiền dành dụm cả đời, mua đất tại xã Phước Đồng, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, ông gặp muôn vàn khó khăn, nhất là kinh phí xây dựng, ông bán luôn căn nhà ở đường Trương Định (TP. Nha Trang), rồi "xin lại" mảnh đất đã cho con gái để lấy tiền xây khu tưởng niệm. Dù vậy, gia đình vẫn hết lòng ủng hộ ông, vì cảm động trước tình yêu và tấm lòng thành kính của người cựu chiến binh dành cho Bác.

Năm 2002, ông Phước hoàn thành một phần công trình của khu tưởng niệm, là đền thờ Bác Hồ. Mãi đến năm 2010, khi cảm thấy đã cơ bản khái quát những điểm son trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác, ông Phước mới chính thức khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà mình.

Bên trong khu tưởng niệm có điện thờ, hội trường, hồ sen, tượng đài Bác Hồ, hàng cây râm bụt… và trưng bày các mẫu vật phục dựng như bộ áo, quần kaki, nhà sàn, các hình ảnh của Bác Hồ. Nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách tham quan, người cựu chiến binh 88 tuổi này thường xuyên sửa sang, sắm mới và bổ sung hiện vật, tư liệu về Bác Hồ. Đặc biệt, năm 2017, nhiều đơn vị đã hỗ trợ ông chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động của khu tưởng niệm.

Theo ông Phước, Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn được lưu truyền mãi qua những trang sách, câu chuyện kể. Khu tưởng niệm về Bác tại nơi này sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ "nhìn tận mắt, nghe tận tai", hiểu hơn trái tim thấm đẫm tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ là điểm tham quan, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu tưởng niệm này đã trở thành "địa chỉ đỏ", nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tại tỉnh Khánh Hòa. "Khi tôi qua đời, khu tưởng niệm sẽ giao lại cho con, cháu quản lý. Đây là nơi cho mọi người tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Không được trao đổi, mua bán dưới bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào mà phải thường xuyên có trách nhiệm trùng tu và gìn giữ cho muôn đời sau" - ông Phước chia sẻ.

Năm 2020, cựu chiến binh Bùi Xuân Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Khánh Hòa

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ Tết 2025

Thanh Hóa: Nông dân 'thay áo mới' cho đào phai Quảng Chính

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 3.400 tàu cá neo đậu an toàn tránh bão số 10

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Sóc Trăng: Nhiều điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương năm 2024

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số

Hòa Bình sẽ xử lý cán bộ buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Đồng Tháp: 3 địa phương không chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2025

Cần Thơ: Dự kiến hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho 114 cán bộ dôi dư do tinh gọn

Đồng Tháp thu hút đầu tư 66 dự án, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Hiệu quả vận hành hồ Thủy điện A Vương trong mùa mưa lũ năm 2024

Gia Lai: Học sinh hào hứng với nhiều trải nghiệm thú vị khi được hoá thân thành chiến sĩ

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng