9 tỉnh đồng bằng sông Hồng triển khai cuộc vận động
Tham dự Hội nghị triển khai Cuộc vận động có lãnh đạo và doanh nghiệp 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng. Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh và lan tỏa hưởng ứng cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp do Thủ Tướng Chính phủ phát động.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, là hồn cốt của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và cộng đồng. Việc này giúp doanh nghiệp vừa có doanh thu, lợi nhuận, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ về công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp. Theo bà Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn FPT: “Tôn, đổi, đồng, chí, gương, sáng” là 6 chữ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp FPT. FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Kim chỉ nam trên đã đưa FPT trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, từ con số nhân sự hơn 10 người (năm 1988) thời điểm thành lập, đến nay con số nhân sự ở FPT là 36.000 người với doanh thu 23.214 tỷ đồng.
Theo đại diện Tập đoàn Samsung, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu, tính sở hữu… Làm thế nào để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhờ vào tinh thần doanh nghiệp và tinh thần lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo cần chia sẻ chung tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả các nhân viên, hướng mọi hành vi của tất cả nhân viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững.
Là một trong những địa phương tham gia triển khai Cuộc vận động, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - chia sẻ: Trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của TP. Hà Nội tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp: Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Thủ đô Hà Nội tiếp tục được bình chọn là điểm đến hấp dẫn và thân thiện xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình, xứng đáng với niềm tin và hi vọng của bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Để có được thành công chung đó có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tạo được sự lan tỏa ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Văn hóa doanh nghiệp không thể sao chép
Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có rất nhiều nội hàm, trong đó thương hiệu của doanh nghiệp chính là một phần cốt lõi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng. Mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng dựa trên phong cách của người lãnh đạo. Văn hóa quan trọng nhất của một doanh nghiệp cần có đó là chữ “Tín” trong quản lý. Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp đi song song với nhau, nếu có thương hiệu tốt sẽ là tiếng vang để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến, hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa doanh nghiệp không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về tính hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Mọi thứ đều có thể sao chép, trừ văn hóa doanh nghiệp. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Để văn hóa doanh nghiệp đi vào thực chất, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này, trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống. Xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp định hướng phát triển theo. Đổi mới và thay đổi văn hóa quản lý, đặc biệt là văn hóa cán bộ, tôn vinh văn hóa doanh nghiệp.
Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động của Ban chỉ đạo 248 với 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng |
Cũng tại hội nghị, Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp (gọi tắt là Ban chỉ đạo 248) đã công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai cuộc vận động của Ban chỉ đạo 248 với 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và giao cho Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp chủ trì tổ chức triển khai. Trước đó, Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được chính thức phát động trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội vào ngày 7/11/2016, tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. |