Vải Thanh Hà được mùa được giá, người mua bán tấp nập
Thu mua vải thiều tại Thanh Hà, Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Điều quan trọng hơn, nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại nên việc tiêu thụ vải năm nay khởi đầu với nhiều tín hiệu vui khi lượng doanh nghiệp về thu mua, xuất khẩu khả quan hơn. Vải sớm được mùa, tiêu thụ tốt Mới sáng sớm nhưng tỉnh lộ 390 chạy qua huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), đặc biệt là đoạn đường thuộc 6 xã khu Hà Đông gồm Thanh Bính, Thanh Cường, Thanh Hồng, Hợp Đức, Trường Thành, Vĩnh Lập đã nườm nượp xe thồ vải ra các điểm cân. Các điểm cân nằm san sát nhau. Mỗi xã có khoảng 5-7 điểm cân như vậy, nằm san sát nhau nhưng điểm cân nào cũng tấp nập xe vải đến. Không khí mua bán tại các điểm này nhộn nhịp từ sáng sớm đến tối mịt. Không riêng những điểm cân ngoài mặt đường mà khi đi sâu vào các vườn vải, thỉnh thoảng chúng tôi còn gặp những điểm cân nhỏ lẻ, trực tiếp gom vải vừa được bẻ từ các vườn ra. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Hà, so với năm trước, thời tiết năm 2016 có vụ đông ấm nên nhiều nơi vải giảm sản lượng, tuy nhiên, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, vải sớm Thanh Hà vẫn được mùa và được giá. Vải sớm tập trung chủ yếu ở hai xã Thanh Bính và Thanh Cường, mỗi xã ước khoảng 2.500 tấn. Hiện, mỗi ngày các điểm cân thu gom hàng chục tấn vải để các thương lái đưa đi các thị trường. Những ngày đầu vụ, vải u trứng có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm còn lên đến 45.000 đồng/kg. Hiện nay, vải u hồng và vải tàu lai cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, giá bán khoảng 20.000-22.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn năm trước trung bình từ 3.000-5.000 đồng/kg. Gia đình anh Lê Văn Thiết (thôn Thanh Lanh, xã Thanh Bính) có diện tích khoảng 2 mẫu trồng vải, ước tính vụ vải này sẽ thu hoạch được khoảng 4 tấn. "Đầu vụ, vải u trứng rất được giá, bán ra từ 42.000-45.000 đồng/kg. Hiện giờ, vải u hồng chỉ còn khoảng 20.000-22.000 đồng/kg. So với năm ngoái, năm nay giá vải tốt hơn," anh Thiết vui vẻ kể. Công ty Hưng Việt (xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đang thu mua, sơ chế và đóng gói khoảng 20-25 tấn/ngày để xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và bán thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và chuẩn bị vào siêu thị Coopmart. Công ty đã ký hợp đồng liên kết với vùng vải VietGAP 10 ha để thu mua, xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm cao và cam kết sẽ có giá vải tốt nhất cho bà con nông dân. "Hiện nay, chúng tôi đã ký được hợp đồng 200 tấn vải xuất sang Thái Lan. Sắp tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức đợt chuyển giao công nghệ xông lưu huỳnh để quả vải đủ điều kiện xuất khẩu ra một số thị trường nước ngoài. Nếu làm được kỹ thuật này, chúng tôi có thể xuất khẩu sang thị trường một số nước Trung Đông. Năm 2016 này chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 1.500 tấn và mong muốn xuất khẩu được số lượng hàng lớn hơn nữa," ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Hưng Việt chia sẻ. Huyện Thanh Hà có gần 4.000ha vải, ước sản lượng chung của cả năm 2016 khoảng 25.000 tấn. Trong đó, vải sớm chiếm khoảng 1.300ha, sản lượng dự kiến năm nay khoảng 13.000 tấn. Cùng với Công ty Hưng Việt, đến thời điểm này có khoảng 20 doanh nghiệp các nơi đã về khảo sát vùng nguyên liệu và đặt vấn đề thu gom, xuất khẩu vải. Thêm một tín hiệu vui cho quả vải Hải Dương là năm nay lần đầu tiên vải sớm đã có mặt tại thị trường châu Âu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, ngày 3/6, khoảng 1 tấn vải sớm Thanh Hà (Hải Dương) đã có mặt tại Pháp, tham gia trưng bày và bán tại chuỗi siêu thị Casio (Pháp) để đến với người tiêu dùng trong tuần lễ hàng Việt Nam tại châu Âu. Lo chiến lược dài hơi cho quả vải Hiện tượng được mùa, mất giá vẫn là nỗi lo của các loại nông sản Việt nói chung mà quả vải cũng không ngoại lệ. Năm 2015 được đánh giá là mùa vải thắng lợi với Thanh Hà khi quả vải vươn đến được với những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU. Năm nay, vùng vải xuất khẩu đã được mở rộng lên 100ha. Để quả vải tiếp tục mở rộng thị trường ra nước ngoài, lãnh đạo huyện Thanh Hà cho biết, Thanh Hà đã có những kế hoạch dài hơi. Trước hết, ở khâu sản xuất, Thanh Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng quả vải. Để quả vải Thanh Hà đảm bảo được các tiêu chí khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp đã tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, tuyệt đối đáp ứng yêu cầu của các thị trường, không sử dụng các loại hoạt chất không được phép. Cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở giám sát bà con nông dân, cập nhật thường xuyên tình hình sâu bệnh trên vải, có bộ thuốc dùng riêng cho vải, vừa diệt sâu, bảo vệ vải, mà vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người nông dân những vùng vải xuất khẩu nghiêm ngặt thực hiện các quy trình chăm sóc này. Bên cạnh đó, để đảm bảo đường đi cho quả vải được thông suốt, năm 2016, tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại đối với quả vải. Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, các cuộc xúc tiến thương mại năm nay được làm sớm hơn, thu hút được nhiều doanh nghiệp về với Thanh Hà ngay từ đầu vụ. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo tổ chức các điểm thu mua tập trung để đảm bảo cho quả vải giữ được nguyên mẫu mã từ khi thu hoạch trên cây xuống cho tới khi đến tay doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để bà con tiêu thụ được thuận lợi, huyện tạo điều kiện mọi mặt từ giao thông được thông suốt, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, để đảm bảo tránh được tình trạng một số tư thương lợi dụng việc nhiều người dân cùng đưa vải đi bán dồn dập ở cùng thời điểm để ép đối với người bán. Về lâu dài, theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà, địa phương đã xác định không mở rộng thêm mà sẽ ổn định diện tích vải như hiện nay, tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng quả vải. Một mặt, huyện chỉ đạo nông dân trồng rải vụ, tránh việc thu hoạch tập trung cùng thời điểm. Trước kia, vải chỉ thu hoạch rộ trong 15-20 ngày, khi bán dễ bị ép giá, còn hiện nay nhờ trồng rải vụ, kéo dài mùa vải khoảng 1,5 tháng, thu hoạch vải sớm được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, để quả vải có đầu ra ổn định, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước mà rất cần sự hợp lực của người nông dân. Một số doanh nghiệp lớn cho biết sẵn sàng ký hợp đồng với người trồng vải ngay từ đầu vụ với điều kiện bà con nông dân cần tuân thủ quy trình chăm sóc đảm bảo kỹ thuật chăm sóc và tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã được ký kết./.