CôngThương - Luôn nhập siêu...
Ngay từ khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Chúng ta đã cùng các thành viên ASEAN đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA), Hiệp định Khung về dịch vụ (AFAS), Hiệp định Đầu tư toàn diện (ACIA), nhằm xây dựng ASEAN thành khu vực mậu dịch tự do và từ năm 2015 sẽ xây dựng ASEAN thành một Cộng đồng kinh tế với 3 trụ cột là hợp tác về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng.
Tuy đứng thứ hai ASEAN về dân số, nhưng kinh tế Việt Nam phát triển chậm hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Brunei nên việc tham gia FTA với ASEAN, trước mắt chúng ta bất lợi bởi luôn ở trong tình trạng nhập siêu lớn từ khối ASEAN. Song, vì mục tiêu lâu dài, Việt Nam vẫn chấp nhận mở cửa hội nhập với khối. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cố đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang các nước ASEAN để giảm bớt nhập siêu và có điều kiện để tăng mậu dịch nội khối. Xin nêu số liệu xuất nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam với 3 nước: Malaysia, Indonesia và Thái Lan: (xem bảng)
Như vậy, trong 9 năm qua, Việt Namluôn nhập siêu từ 3 nước này. Năm cao nhất nhập siêu từ Indonesia 936 triệu USD, Malaysia 1.320 triệu USD và Thái Lan 4.951 triệu USD. Vậy mà một số mặt hàng của Việt Nam vừa đẩy mạnh XK sang đã bị các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng của nước sở tại kiện về chống bán phá giá và tự vệ đặc biệt thương mại và cho rằng, “tăng trưởng XK nhanh làm tổn hại đến họ và đe dọa sản xuất trong nước”.
… Và đối mặt các vụ điều tra chống bán phá giá
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp cho biết, ngày 10/8/2012, Liên đoàn Công nghiệp sắt thép Malaysia (MISIF) gửi thư cho VSA cảnh báo tôn phủ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam nằm trong nguy cơ bán phá giá. Tháng 10/2012, một phái đoàn gồm MiSiF, các doanh nghiệp, trong đó có Bluescope Steel (là công ty đa quốc gia) đến làm việc với VSA.
Ngày 12/12/2012, Công ty Bluescope Steel (Indonesia) và Công ty Sunrise Steel (Indonesia) đã gửi đơn lên Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) tuyên bố rằng, họ bị tổn hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng do mặt hàng được cán phẳng nhập khẩu vào Indonesia mã số HS 7210.61.11.00 gây nên và đề nghị Chính phủ Indonesia áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Ngay sau đó, ngày 19/12/2012, KPPI đã mở điều tra với mặt hàng trên.
Ngày 1/10/2012, Hiệp hội Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan đã gửi thư cho VSA bày tỏ quan ngại có sự bán phá giá của tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm và tôn kẽm màu của Việt Nam. Ngày 18/12/2012, hiệp hội trên gửi thư cho VSA và Bộ Thương mại Thái Lan cảnh báo sẽ cân nhắc đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá và/hoặc tự vệ thương mại chống lại các nhà sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ Việt Nam. Hiện cơ quan chống bán phá giá nước này đang xem xét đơn. Đây là những việc làm thái quá, dùng các hàng rào cản kỹ thuật như tự vệ thương mại và chống bán phá giá để ngăn cản mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ xuất khẩu của Việt Nam.
Những việc làm nêu trên không những gây tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng phát triển thị trường, giảm thâm hụt thương mại mà còn làm tăng thêm nhập siêu và cản trở hợp tác và phát triển thương mại nội khối; đi ngược với nguyên tắc phấn đấu cân bằng cán cân thương mại để thương mại phát triển bền vững theo WTO.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác ASEAN vì mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp lý, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý cần có những biện pháp thích hợp để hỗ trợ ngành hàng phát triển và hạn chế nhập siêu từ một số nước ASEAN đang có những biện pháp kỹ thuật ngăn hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. |