Ứng dụng công nghệ blockchain: Định vị thương hiệu nông sản
Tăng cường ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành nông nghiệp và giải quyết các mối lo ngại về truy xuất nguồn gốc thực phẩm ngày càng được các quốc gia nhập khẩu đặt ra và kiểm soát chặt.
Việt Nam, hiện xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 toàn thế giới về sản lượng nông sản xuất khẩu. Hai Hiệp định thương mại tự do quan trọng là EVFTA và CPTPP, được ký kết và có hiệu lực cũng đặt nhiều kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều hơn, việc nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản lại càng trở nên quan trọng và cấp bách.
Bà Nguyễn Thị Bích Loan - quyền Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho biết - công nghệ blockchain (chuỗi khối) giúp DNchuẩn hóa quy trình sản xuất, giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì thế, ứng dụng này đang lan tỏa rất nhanh. Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản đến nay cũng khá phổ biến, cho phép truy xuất thông tin sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ quy trình sản xuất tới khâu tiêu thụ. Trên cơ sở đó, giúp nhà nông, hợp tác xã, người tiêu dùng và thị trường có thông tin minh bạch về sản phẩm, góp phần tăng giá trị nông sản.
Nhờ nền tảng công nghệ blockchain chất lượng hàng hóa cũng được đảm bảo do dòng thông tin được kiểm soát chặt chẽ và liên tục. Việc xác thực thông tin xuất khẩu cũng sẽ nhanh chóng, chính xác hơn nhờ dữ liệu đầy đủ về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ đó dễ dàng "thông quan" hơn tại thị trường xuất khẩu.
Minh chứng, tại tỉnh Đồng Tháp, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương sau khi ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, những trái xoài Cát Chu của Đồng Tháp đã không đủ hàng để bán.
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh - Võ Thị Trung Trinh - cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhất là nông sản dựa trên công nghệ blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế.