Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhưng chưa bền vững
Đây là ý kiến đánh giá tại cuộc họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân năm 2019-2020 và quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020 mới đây.
Tỷ lệ tham gia BHYT đang vượt chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đến hết năm 2020, cả nước đã có 87,97 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,23 triệu người so với năm 2019 và đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số - vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13. Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng và tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ đóng trong năm 2020, bằng 41% tổng số thu BHYT.
Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, cả nước có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019. Đối với việc khám, chữa bệnh BHYT theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Bên cạnh đó, tại một số địa phương bị phong tỏa hoặc có cơ sở khám, chữa bệnh BHYT bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 đã dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài ngày khiến tỉ lệ chi phí giường bệnh nội trú tăng hơn so với năm 2019, chiếm gần 25% tổng chi khám chữa bệnh nội trú, gần bằng tỷ lệ chi phí thuốc, hóa chất, dịch truyền, máu và chế phẩm máu của người bệnh điều trị nội trú.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan này cũng đã quy định gói dịch vụ y tế (DVYT) cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm: Gói dịch vụ cho khám chữa bệnh (KCB) do quỹ BHYT chi trả (76 dịch vụ, 241 thuốc); gói DVYT cho chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe do NSNN và các nguồn kinh phí hợp pháp khác chỉ trả; quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề KCB, trong đó có quy định phạm vi hoạt động chuyên môn là KCB đa khoa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, thanh toán chi phí KCB BHYT.
Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù Luật BHYT cũng như các quy định pháp luật liên quan đã ban hành đầy đủ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, qua thực tiễn vẫn còn thiếu chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên một số doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hợp đồng lao động dẫn đến người lao động (NLĐ) không được tham gia BHYT…
Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách BHYT, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, Việt Nam vẫn còn nghèo nhưng đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện BHYT, độ bao phủ BHYT trong năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội giao. Cụ thể, số người tham gia BHYT năm 2020 tăng 2,35% so với năm 2019. Đặc biệt Quỹ BHYT đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành y tế.
Tuy nhiên, đánh giá của đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững; các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỉ lệ cao. Hiện còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu ở vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động, người sử dụng lao động đóng.
Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT được làm chặt chẽ một mặt hạn chế được tình trạng trục lợi BHYT nhưng cũng dẫn đến hệ quả bác sĩ hạn chế kê thuốc BHYT cho bệnh nhân để không bị xuất toán, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Đánh giá cao việc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, trong đó một số chỉ tiêu đạt tốt so với yêu cầu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bên cạnh đó vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt; hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn KCB, dẫn đến chất lượng KCB ở tuyến dưới còn hạn chế.
Cùng với đó, hiện lo ngại lớn chính là nguy cơ mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày một gia tăng - là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng lên và chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng tăng. Theo các ý kiến tại cuộc họp, trong khi số lượt KCB BHYT tăng, thì nguồn quỹ BHYT tăng không tương ứng, mặc dù có sự gia tăng số lượng người tham gia, dẫn đến thiếu kinh phí cho công tác KCB BHYT. Điều này do mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá DVYT và nhu cầu KCB, dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, theo Nghị quyết số 68//2013/QH13 thì hiện nay còn 3 chỉ tiêu đề nghị điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho BHXH Việt Nam thực hiện chính sách. Theo đó, từ năm 2021, BHXH Việt Nam gặp thách thức trong việc phát triển BHYT bền vững, chứ không phải khó khăn trong vấn đề bao phủ BHYT; do đó đòi hỏi những chế tài cụ thể để thu hút sự tham gia của người dân, chứ không phải từ sự hỗ trợ của ngân sách. “Quốc hội cần sửa đổi Luật BHYT để đáp ứng các mục tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như quyền lợi về chăm sóc sức khỏe; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh ; rút ngắn thời gian thẩm định vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT hàng năm của các địa phương cho phù hợp...”- Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bà Nguyễn Thúy Anh - cho biết, tất cả các ý kiến tại cuộc họp về cơ bản đã được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế giải trình làm rõ. Tuy nhiên, có một số vấn đề sẽ cần báo cáo thêm, nhất là chúng ta chưa có báo cáo chính thức của Chính phủ. Vì vậy, các ý kiến thảo luận có thể đưa vào báo cáo giải trình và báo cáo của Chính phủ sắp tới, để tiến tới có Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/2013/QH13.