Bổ sung chế độ BHYT đối với thân nhân của lực lượng vũ trang
Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Theo đại biểu, vấn đề về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế luôn là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm bởi đây là chính sách an sinh xã hội thiết thực, gắn bó trực tiếp tới quyền lợi của nhân dân trong cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách về bảo hiểm y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập mà hầu hết qua các đợt tiếp xúc cử tri, các cử tri đều có nhiều đề xuất, kiến nghị. Vì vậy, việc sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri; sự thay đổi trong hệ thống pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội so với giai đoạn trước.
Về việc bổ sung quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế (Khoản 1 Điều 1 Dự thảo, sửa đổi, bổ sung Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế), đại biểu cho rằng, tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng là vấn đề các cử tri đặc biệt quan tâm, hầu hết tại cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, các cử tri đều đề cập tới.
"Việc xác định đâu là hành vi “trốn đóng”, “chậm đóng” để làm căn cứ xử lý hành chính hay xử lý hình sự thời gian qua còn gặp khó khăn" - đại biểu nói.
Vì vậy, vừa qua, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng đã sửa đổi nội dung này, quy định nghiêm cấm đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, quy định cụ thể căn cứ xác định đâu là hành vi “trốn đóng”, đâu là hành vi “chậm đóng”.
Theo đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế, tương thích với Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Đây là quy định cần thiết để việc xử lý đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung đảm bảo tính răn đe, hạn chế tình trạng này xảy ra trên thực tế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Về việc bổ sung quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (Khoản 9 Điều 1 dự thảo, sửa đổi bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo biểm y tế theo dự thảo luật là cơ bản phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và sự mong mỏi của cử tri.
Việc hỗ trợ tối đa cho các nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội cơ bản và mang tính nhân văn. Vì vậy, theo đại biểu, Nhà nước luôn phải cố gắng hỗ trợ cho nhân dân ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, cùng với đó cũng cần có sự cân đối nguồn lực của ngân sách và Quỹ bảo hiểm.
Trong quá trình xây dựng Luật lần này, Ban soạn thảo có bổ sung nhóm đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng là thân nhân của dân quân thường trực.
Theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, dân quân thường trực là lực lượng thường trực là nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng; trong thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thời gian là việc của họ là thường xuyên như lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; khác với các lực lượng khác thuộc lực lượng dân quân tự vệ như dân quân tư vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động…
Vì vậy, theo đại biểu, có thể xem xét đến việc bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của họ như đối với thân nhân của lực lượng vũ trang trên cơ sở những đánh giá tác động và cân đối nguồn ngân sách. Đây vừa là sự quan tâm, động viên đối với lực lượng dân quân thường trực, vừa là sự khuyến khích, thu hút những người có đủ điều kiện tích cực tham gia lực lượng dân quan thường trực, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo BHYT
Về việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm (Khoản 19 Điều 1 dự thảo, sửa đổi bổ sung Điều 27 Luật Bảo hiểm y tế), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Điều này vô cùng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT để sử dụng cho khám, chữa bệnh BHYT; là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc; nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện.
Về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Khoản 20 Điều 1 dự thảo, sửa đổi bổ sung Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế), bà Nguyễn Thị Việt Nga nhận xét, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và dự thảo Luật đang cùng quy định người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ bảo hiểm y tế. Đến thời điểm này, quy định này có thể phù hợp, tuy nhiên, rất có thể chỉ một thời gian rất ngắn nữa, quy định này sẽ không còn phù hợp.
Hiện nay, chúng ta đã xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trong đó, tích hợp nhiều thông tin của công dân. Vì vậy, để tránh sự rườm rà và phát huy tối đa giá trị sử dụng của hệ thống cơ sở dữ liệu đã xây dựng, chúng ta dần dần phải tiến tới việc tích hợp về thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng và các thông tin khác của công dân nói chung vào một cơ sở dữ liệu.
Khi đó, người dân chỉ cần có thông tin về căn cước công dân là có thể thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó có việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Để Luật có tính dự báo, nên nghiên cứu đến vấn đề này.
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu đoàn Hải Dương, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Tuy nhiên hiện nay nhưng tình trạng này vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để do tâm lý e ngại của nhiều cơ sơ khám, chữa bệnh.
Do đó, để nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế mà người có bảo hiểm y tế được hưởng; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong phạm vi được hưởng để đảm bảo quyền lợi cho người có bảo hiểm y tế.