Tuyên Quang: Tín hiệu vui trong công tác đào tạo nghề
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề- giải pháp để nâng cao thu nhập
Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, xác định giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện, coi đây là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Hiện nay, Tuyên Quang đang rất quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn |
Thời gian qua, mặc dù những khó khăn chung của thị trường kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh, song tỉnh Tuyên Quang đã linh hoạt trong công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 25.953 lượt lao động, đạt 117% kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ năm 2022. Con số này đã góp phần tích cực để Tuyên Quang thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, gắn với đó là hoàn thành tiêu chí số 12 về việc làm trong xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành kế hoạch về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho cho các cơ sở, trường dạy nghề và người lao động nên tỷ lệ đào tạo nghề của tỉnh trong những năm qua luôn đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Các huyện đã thực hiện tốt việc thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất để tìm cơ hội việc làm.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường lao động trong nước và nước ngoài. Là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, Tuyên Quang xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư trên địa bàn.
Cùng với những thách thức mới, những tín hiệu vui trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của địa phương chính là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thêm quyết tâm. Trong năm 2024, Tuyên Quang đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.550 lao động với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ là 28%. Con số này được đánh giá là hoàn toàn khả quan bởi nhu cầu việc làm của người lao động trong tỉnh hiện khá lớn, riêng trong năm 2023, địa phương đã giải quyết việc làm cho gần 26.000 lao động.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp tiếp tục được triển khai. Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố thu hút gần 2.000 người tham gia.
Xác định công tác đào tạo nghề- nhiệm vụ trọng tâm
Kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Qua đó giúp người lao động nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng lao động vào làm việc.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường thu hút đầu tư vào khu Công nghiệp Long Bình An (TP. Tuyên Quang); chế biến gỗ, chế biến nông sản ở cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Yên Sơn; chế biến khoáng sản, chế biến chè, may mặc ở khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương); sản xuất linh kiện điện tử, nông sản xuất khẩu ở cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)… Qua đó mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 5.900 lao động. Trong đó, có 3.659 lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh; 2.025 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước; xuất khẩu lao động 236 người.
Hiện nay các địa phương đang rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng học sinh THPT mới tốt nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang đến hết năm 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, địa phương xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần quan trọng tạo sinh kế bền vững và từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.