Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng 8 tỉnh kết nối trực tuyến hỗ trợ việc làm cho người lao động |
Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương được đánh giá cơ bản ổn định; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại số lượng đơn hàng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương có xu hướng giảm lao động |
Tuy vậy, ngoài các doanh nghiệp tiếp tục ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, còn xảy ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm lao động.
Báo cáo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 250 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc không thực hiện tuyển bổ sung khi có lao động nghỉ việc, hết thời hạn hợp đồng; trong đó có 83 doanh nghiệp trong nước và 167 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Tình trạng cắt giảm lao động, việc làm, không tuyển mới bổ sung khi có lao động nghỉ việc, chủ yếu là do giảm đơn hàng (192 doanh nghiệp), các nguyên nhân khác (58 doanh nghiệp)” - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương thông tin.
Do vậy, tính đến hết tháng 4/2023, số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bị cắt giảm lao động, nghỉ việc là gần 16.000 người, gồm 11.320 lao động thôi việc, mất việc làm (chủ yếu trong các ngành: dệt may 5.470 người, da giày 1.261 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử 1.826 người); số lao động giảm giờ làm là 1.873 người (chủ yếu trong các ngành: dệt may 1.873 người, da giày 1.409 người, sản xuất linh kiện và điện tử 238 người); số lao động ngừng việc, nghỉ không lương 2.802 người.
Nhằm ứng phó với tình hình trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương cho hay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tích cực tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo duy trì sản xuất, trả lương cho người lao động để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đã chủ động tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức, đồng thời tích cực phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm tìm kiếm lao động để bổ sung lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bổ sung lao động tại các vị trí việc làm trống. Theo báo cáo, có 278 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên), 8 tháng cuối năm 2023 có nhu cầu tuyển dụng khoảng 18.500 lao động.
Từ phía cơ quan quản lý, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động.
Nhờ đó, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đã tư vấn việc làm, tư vấn học nghề và tư vấn pháp luật lao động cho 6.703 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 1.585 người; giới thiệu việc làm cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp 3.796 người. Sở cũng đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay số tiền 779,4 triệu đồng (15 dự án, tạo việc làm mới cho 15 người)…
Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, trước tình hình đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, Liên đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời, như: Thẩm định hồ sơ, hỗ trợ cho 180 đoàn viên, người lao động tại 3 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ với tổng số tiền 180 triệu đồng.
Đặc biệt, tại lễ phát động Tháng Công nhân 2023 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh trao kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ngừng việc, giảm thời gian làm việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng tại các đơn vị thuộc công đoàn ngành giao thông vận tải, Liên đoàn Lao động huyện Nam Sách với tổng số tiền 165 triệu đồng.
Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Hải Dương cho biết sẽ tiếp tục nắm bắt kịp thời tình hình, phối hợp, tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cấp công đoàn để giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm, có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Đồng thời, tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, chi trả chế độ đối với người lao động trong trường hợp phải giảm giờ làm, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động…
Dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không tránh được các tác động, vì thế, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào. Mở rộng phạm vi tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, địa phương này sẽ tăng cường hỗ trợ dạy nghề, đào tạo, tạo việc làm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động.