Còn nhiều khó khăn trong chuyển đổi số
Mặc dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp cho nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Theo kết quả đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Đây là thứ hạng được coi là khá thấp.
Bên cạnh đó, năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang tụt giảm từ vị trí 29 xuống vị trí 52, về nhóm cuối của bảng xếp hạng Chỉ số PCI. Điều này cho thấy việc cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh có những vấn đề cần phải có giải pháp khắc phục một cách thấu đáo, đồng bộ.
Năm 2023, các chỉ số nêu trên của Tuyên Quang có cải thiện song vẫn ở nhóm dưới 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cán bộ Trung tâm hành chính công Tuyên Quang hướng dẫn người dân cách làm thủ tục online. |
Để cải thiện công tác chuyển đổi số, Tuyên Quang đã và đang quyết tâm đưa ra nhiều giải pháp căn cơ tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhất là nguồn nhân lực số, hạ tầng số và sự đồng hành của người dân ở cơ sở.
Theo thống kê, đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang. Địa phương này đã cung cấp hơn 1.800 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến một phần là 703 dịch vụ, đạt 38,57%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.120 dịch vụ, đạt 61,43%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt khoảng 55%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 84%.
Tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số năm 2022 để chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của địa phương.
Tuyên Quang đã thành lập 1.871 tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với 10.257 thành viên; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho các thành viên; tạo nhóm Zalo dùng chung của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn để điều hành, tương tác, trao đổi thông tin; đồng thời phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức cho hơn 500 cán bộ cấp xã tham gia khóa học bồi dưỡng "Chuyển đổi số cấp xã" để nâng cao nhận thức, tiếp thu các kiến thức về chuyển đổi số phục vụ triển khai chuyển đổi số tại địa bàn…
Tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn nhân lực số và sự tham gia đồng hành của người dân. Phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm, nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời.
Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện công tác chuyển đổi số
Để việc chuyển đổi số đi vào thực chất, tổ chức thực hiện kiểm tra các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Ban chấp hành chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 02/QĐ/BCĐ ngày 10 tháng 5 năm 2024 về việc thành lập Đoàn Kiểm tra thực hiện công tác chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Mục đích là nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng phù hợp với định hướng của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số từ cơ sở tới cấp tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Đoàn kiểm tra sẽ xây dựng và thông báo lịch kiểm tra đối với các đơn vị được kiểm tra; tiến hành kiểm tra việc chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 06/5/2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Thông qua kiểm tra, kết luận những vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh kết quả kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện tốt năm nội dung, là: Cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng các nền tảng số, dữ liệu số phục vụ người dân và doanh nghiệp; doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; doanh nghiệp công nghệ số cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; nâng cao năng lực, kỹ năng số của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn kỹ năng sử dụng nền tảng số, thực hiện các dịch vụ trực tuyến, mua sắm, thanh toán trực tuyến và kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường số cho người dân… để từ đó, chung tay lan tỏa thông điệp: Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị.
“Bên cạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin,... cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.