Tương lai của TikTok trong vòng nguy hiểm: EU mở cuộc điều tra, Mỹ đe dọa cấm cửa
TikTok, nền tảng mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu đang phải đối mặt với một chuỗi sóng gió chưa từng có khi vừa bị Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra vì nghi ngờ không kiểm soát được tài khoản giả mạo và sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử Tổng thống Romania gần đây. Cùng lúc đó tại Mỹ, nguy cơ /chu-de/tiktok.topic bị loại bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong vài tuần tới đang ngày càng hiện rõ, trừ khi công ty mẹ ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, chấp nhận bán nền tảng này cho một doanh nghiệp Mỹ.
Cả Mỹ và EU đều nghi ngờ TikTok và đang tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của nền tảng này. Ảnh: Pinterest |
Áp lực từ cả hai bờ Đại Tây Dương
Ngày 18/12, Ủy ban châu Âu thông báo khởi động cuộc điều tra TikTok, tập trung vào cáo buộc rằng nền tảng này đã để xảy ra tình trạng tài khoản giả lan truyền thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho các thế lực nước ngoài tác động đến cuộc bầu cử tại Romania. Đây là động thái mạnh mẽ nhằm bảo vệ sự trong sạch của hệ thống bầu cử ở châu Âu khi các báo cáo chỉ ra rằng các tài khoản ủng hộ ứng viên cực hữu Călin Georgescu đã đẩy mạnh thông điệp chống EU và phương Tây trên TikTok.
Còn tại Mỹ, TikTok đang đứng trước nguy cơ bị cấm hoàn toàn trong bối cảnh luật pháp mới quy định việc duy trì ứng dụng này có thể dẫn đến các khoản phạt nặng đối với các công ty công nghệ Mỹ. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, ngày 17/12 TikTok đã gửi đơn yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tạm hoãn lệnh cấm sắp được áp dụng. Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý nhận định, bất kỳ nỗ lực nào nhằm vô hiệu hóa lệnh cấm này đều sẽ gặp rào cản pháp lý nghiêm trọng.
Trận chiến tại châu Âu: TikTok và cuộc khủng hoảng niềm tin
Cuộc điều tra của EU không chỉ nhắm vào những cáo buộc can thiệp bầu cử mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của TikTok trong việc kiểm soát nội dung trên nền tảng. Theo Euronews, một số tài khoản ủng hộ Călin Georgescu đã lan truyền thông tin sai lệch rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã can thiệp trực tiếp để vô hiệu hóa kết quả bầu cử. Thông điệp này được dùng để khơi dậy tâm lý chống EU trong một bộ phận người dân Romania.
Ủy ban châu Âu đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này, khẳng định trách nhiệm giám sát bầu cử thuộc về chính phủ Romania. Tuy nhiên, sự kiện này đã khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi: Liệu TikTok có đang trở thành công cụ cho việc thao túng chính trị?
Tuy nhiên, quyết định hủy kết quả bầu cử của Romania cũng bị coi là "bất thường" khi chính quyền Romania không công bố bằng chứng rõ ràng về sự can thiệp thông qua TikTok. Trong bối cảnh đó, áp lực đang gia tăng và đè nặng lên nền tảng này tại châu Âu khi sự tín nhiệm của người dùng và các cơ quan quản lý đang giảm sút.
Cuộc chiến pháp lý tại Mỹ
Ngày 16/12 vừa qua, ông Shou Zi Chew, CEO của TikTok, đã có cuộc gặp với /chu-de/donald-trump.topic trong một nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục ông đảo ngược lệnh cấm TikTok tại Mỹ. Trước đó, các nhà lập pháp đã chính thức yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ TikTok khỏi App Store và Play Store, đẩy ứng dụng này vào thế "ngàn cân treo sợi tóc."
Tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật buộc ByteDance phải bán TikTok cho một công ty Mỹ trước ngày 19/1/2025. Nếu không, TikTok sẽ bị gỡ bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng và bị chặn truy cập tại Mỹ.
Dù vậy, TikTok vẫn le lói một tia hy vọng. Trong trường hợp ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, quyết định gia hạn lệnh cấm thêm 90 ngày thì nền tảng này có thể có thêm thời gian thương lượng. Tuy nhiên, khả năng này không đảm bảo khi các áp lực từ Quốc hội và dư luận vẫn đang tăng cao.
Ngày 20/1 có thể đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của TikTok tại Mỹ nếu mọi nỗ lực cứu vãn không đạt kết quả. Trận chiến pháp lý và chính trị này không chỉ là phép thử đối với TikTok mà còn là minh chứng rõ rệt cho sự đối đầu công nghệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mạng xã hội TikTok đang đứng trước ngã rẽ nguy hiểm với những cáo buộc tại châu Âu và nguy cơ bị cấm cửa ở Mỹ, nền tảng này phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn: hoặc cải cách triệt để để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý, hoặc tìm cách tồn tại trong một môi trường đầy biến động.
Câu hỏi đặt ra là liệu TikTok có thể vượt qua những thách thức này để tiếp tục là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hay không? Trước mắt, các động thái từ EU và Mỹ sẽ là yếu tố quyết định tương lai của ứng dụng này trong những tuần tới.