Thỏa thuận trung chuyển khí đốt sắp kết thúc
Theo Reuters, ngày 15/12, Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico, tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga, bất chấp áp lực từ các nước liên quan yêu cầu quốc gia này cần thay thế bằng những nguồn cung cấp khác, có chi phí đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine chuẩn bị hết hạn vào cuối năm nay, Slovakia đang đứng trước "bài toán" khó về đảm bảo an ninh năng lượng mà vẫn duy trì chi phí phù hợp cho nền kinh tế quốc gia.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev, vốn đóng vai trò như một “xương sống” trong việc cung cấp năng lượng từ Nga cho Liên minh châu Âu (EU), sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trong khi đó, Ukraine đã tuyên bố không gia hạn thỏa thuận này. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông German Galushchenko khẳng định: “Ukraine đã sẵn sàng dừng hoàn toàn việc trung chuyển khí đốt của Nga qua hệ thống đường ống nội địa bắt đầu từ ngày 1/1/2025”.
Hiện tại, hệ thống đường ống trung chuyển khí đốt của Ukraine kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực như Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia. Mặc dù EU đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga từ sau xung đột Ukraine năm 2022, dữ liệu mới nhất cho thấy, khoảng 5% nguồn cung khí đốt của EU vẫn đi qua Ukraine.
Lập trường của Slovakia
Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 15/12, Thủ tướng Robert Fico nhấn mạnh, Slovakia sẽ không chấp nhận các giải pháp thay thế tốn kém hơn nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, khi khí đốt từ Nga vẫn là lựa chọn kinh tế hợp lý nhất hiện nay. Ông cho biết: “Chúng tôi không thấy lý do gì để phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt. Slovakia sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong mọi cuộc đàm phán sắp tới”.
Hiện tại, Slovakia và Hungary là hai quốc gia thành viên EU vẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga. Thủ tướng Fico chỉ rõ, các cuộc đàm phán đang diễn ra “rất căng thẳng”, bao trùm nhiều cấp độ và liên quan đến nhiều quốc gia, nhưng ông tỏ ra tự tin rằng, một giải pháp khả thi sẽ được tìm ra. Thủ tướng Slovakia khẳng định: “Slovakia sẽ tiếp tục đàm phán trong suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt không bị gián đoạn”.
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka, vùng Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP |
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine leo thang vào năm 2022. Thay vào đó, EU đã chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ các nguồn khác, đặc biệt là khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, với chi phí cao hơn đáng kể so với nguồn cung cấp qua đường ống của Nga.
Ông Dan Jorgensen, Ủy viên phụ trách năng lượng mới của EU, gần đây nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ông là xây dựng một kế hoạch nhằm cắt đứt hoàn toàn các liên kết năng lượng giữa EU và Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, cho đến nay, khối này vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, do các lựa chọn thay thế đều đi kèm chi phí cao và rủi ro vận hành.
Theo thống kê từ nền tảng dữ liệu Statista của Đức, Đức chiếm 18% tổng giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào EU trong quý 2 năm 2024. Con số này cho thấy, EU vẫn đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng đầy thách thức, chưa thể đạt được mục tiêu cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Triển vọng trung chuyển khí đốt Nga năm 2025 - "bài toán" cân bằng của Slovakia
Bất chấp tuyên bố của Ukraine về việc dừng trung chuyển, một số chuyên gia cho rằng, Nga vẫn có thể tiếp tục cung cấp khí đốt sang châu Âu thông qua các giải pháp khác. Ông Sergey Kaufman, chuyên gia năng lượng từ Finam, dự đoán Nga có thể trung chuyển khoảng 4-7 tỷ mét khối khí đốt qua biên giới Nga-Ukraine nếu đạt được thỏa thuận trung gian. Bên cạnh đó, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga có thể đẩy mạnh việc bơm khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ và hướng tới các tuyến đường thay thế đến khu vực Trung Á để đáp ứng nhu cầu năng lượng của EU.
Đối mặt với tình hình hiện tại, Slovakia phải giải quyết bài toán khó giữa bối cảnh địa chính trị và nhu cầu thực tế về an ninh năng lượng. Khí đốt giá rẻ từ Nga đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chi phí năng lượng quốc gia và đảm bảo hoạt động kinh tế. Việc thay thế bằng các nguồn cung khác sẽ khiến giá thành tăng cao, tác động trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra căng thẳng, Slovakia cam kết sẽ tìm kiếm giải pháp cân bằng lợi ích kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn.
Tình hình năng lượng của Slovakia trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán song phương và khu vực. Với áp lực từ phía EU và quan điểm ngừng trung chuyển từ Ukraine, việc duy trì nguồn cung khí đốt từ Nga thông qua các tuyến đường hiện tại là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, Slovakia đang nỗ lực tìm ra giải pháp tối ưu để bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị khu vực.