Diễn biến chi tiết vụ việc
Theo TASS, ngày 15/12, hai tàu chở dầu Volgoneft 212 và Volgoneft 239 của Nga đã gặp nạn do biển động mạnh, ngoài khơi bán đảo Crimea, khu vực eo biển Kerch, nơi nối giữa Biển Đen và Biển Azov. Sự cố không chỉ gây thiệt hại về người mà còn dẫn đến tình trạng khẩn cấp về môi trường với nguy cơ tràn dầu nghiêm trọng.
Cả hai con tàu này đều có sức chứa khoảng 4.200 tấn sản phẩm dầu mỏ. Trong đó, tàu Volgoneft 212 dài 136 mét, được đóng từ năm 1969, gặp sự cố nghiêm trọng khi bị gãy làm đôi trong cơn bão mạnh trên eo biển Kerch. Phần mũi tàu đã chìm xuống nước, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tàu Volgoneft 239, dài 132 mét, được đóng từ năm 1973, cũng bị hư hại nặng và trôi dạt trên biển. Tàu này mang theo 14 thủy thủ và đã bị mắc cạn cách bờ biển khoảng 80 mét gần cảng Taman, phía Nam eo biển Kerch.
Tàu chở dầu Volgoneft 212 bị đắm ở eo biển Kerch ngày 15/12. Ảnh: AP |
Cơn bão lớn với sóng mạnh đã khiến hoạt động cứu hộ trở nên phức tạp. Các hình ảnh từ truyền thông Nga cho thấy, vùng biển bị nhuốm đen bởi dầu tràn, trong khi một đoạn video chưa xác minh được đăng tải trên Telegram ghi lại cảnh một con tàu chìm một phần dưới mặt nước.
Theo báo cáo từ Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nga, ít nhất một người đã tử vong trên tàu Volgoneft 212. 12 người khác đã được sơ tán thành công. Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu thủy thủ đoàn của tàu Volgoneft 239 đã phải tạm dừng vì thời tiết khắc nghiệt. Hiện, việc liên lạc với tàu Volgoneft 239 vẫn được duy trì và các điều kiện trên tàu đủ đảm bảo an toàn tạm thời cho thủy thủ đoàn, tuy nhiên công tác giải cứu phải chờ điều kiện thời tiết cải thiện.
Vụ việc đã dẫn đến sự cố tràn dầu trên eo biển Kerch, có thể gây hậu quả lâu dài đối với hệ sinh thái biển và bờ biển xung quanh. Ông Paul Johnston, người đứng đầu Phòng thí nghiệm nghiên cứu Greenpeace tại Đại học Exeter (Anh), cảnh báo: “Do gió mạnh và dòng chảy phức tạp ở khu vực này, việc ngăn chặn dầu tràn là cực kỳ khó khăn. Nếu dầu bị cuốn vào bờ, nó sẽ gây ô nhiễm nặng nề và việc dọn dẹp sẽ vô cùng tốn kém và phức tạp”. Hiện tại, mức độ tràn dầu và tác động cụ thể chưa được các cơ quan chức năng Nga công bố.
Chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Trước tình hình khẩn cấp, ngay trong ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức họp khẩn với các quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tình trạng Khẩn cấp Alexander Kurenkov, Phó Thủ tướng Vitaly Savelyev và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Alexander Kozlov. Sau cuộc họp, Tổng thống Putin đã ra lệnh thành lập một nhóm công tác do Phó Thủ tướng Vitaly Savelyev đứng đầu để điều phối các nỗ lực cứu hộ và xử lý hậu quả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin: “Tổng thống đã ban hành các chỉ thị quan trọng liên quan đến việc tổ chức cứu hộ, giảm thiểu tác động từ vụ việc và xử lý vấn đề tràn dầu. Tổ công tác do Phó Thủ tướng Vitaly Savelyev đứng đầu sẽ phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ này”.
Cơ quan chức năng Nga đã huy động hơn 50 nhân sự và các thiết bị hiện đại, bao gồm trực thăng Mi-8 và tàu kéo cứu hộ, đến hiện trường. Các nỗ lực hiện tại tập trung vào việc giải cứu thủy thủ đoàn còn lại, đồng thời kiểm soát sự cố tràn dầu nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Vụ việc đã được khởi tố điều tra hình sự để làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm trong việc vi phạm các quy định an toàn hàng hải.
Eo biển Kerch đóng vai trò quan trọng trong thương mại và vận tải biển của Nga, kết nối Biển Đen với Biển Azov. Đây không chỉ là tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, khí đốt mà còn là con đường xuất khẩu ngũ cốc chủ yếu của Nga. Do đó, sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh các cảng biển của Nga đang đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa ra thế giới.
Vụ tai nạn kép của hai tàu chở dầu Volgoneft 212 và Volgoneft 239 tại eo biển Kerch đã đặt ra nhiều thách thức cho Nga trong việc ứng phó với thảm họa và bảo vệ môi trường. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các tổ chức môi trường, đang theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc.
Giới chuyên gia nhận định, hành động kịp thời của chính phủ Nga dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm liên quan vẫn đang được làm sáng tỏ thông qua các cuộc điều tra kỹ lưỡng.