Thông tin tiêu cực dễ "hút" người xem
Những ngày gần đây, thông tin 2 cô gái trẻ được cho là bị lộ clip nhạy cảm gây xôn xao mạng xã hội. Dù chưa biết thực hư ra sao, chưa xác định clip đó được lan truyền khi nào nhưng trên mạng xã hội hay trong một số hội nhóm liên tục đăng đàn với những nội dung xoay quanh vụ việc. Thậm chí, nhiều người còn bình luận "xin link" để câu like, câu view hết nhóm này đến nhóm khác.
Không chỉ dừng lại ở vụ việc cô gái bị lộ clip nóng, từ khi mạng xã hội phát triển, đã có rất nhiều thông tin được truyền tải đi nhanh chóng mà chưa được kiểm duyệt. Các thông tin trên mạng xã hội gần như được phản ánh ngay sau khi sự việc, hiện tượng xảy ra rất ít độ trễ. Tuy nhiên các thông tin này đa phần là chưa được kiểm chứng, nhiều khi là các thông tin giả, tin sai sự thật.
Lực lượng công an xử lý nhiều trường hợp thông tin thất thiệt về dịch COVID-19 (Ảnh: Báo Công an nhân dân) |
Từ vụ các cô gái lộ clip nhạy, chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho rằng đang có sự xuất hiện của tâm lý đám đông, cảm giác vô danh và bản năng tò mò của con người.
Thứ nhất là tâm lý đám đông. Trong môi trường ảo, người dùng có xu hướng theo dõi và phản hồi mạnh mẽ hơn đối với các sự kiện gây sốc hoặc tiêu cực. Những thông tin này thường được lan truyền nhanh chóng do sự thúc đẩy của cảm xúc mạnh mẽ, dẫn đến việc cường điệu hóa thực tế, khiến cho nội dung càng trở nên hấp dẫn hơn. Người dùng có thể bị cuốn theo tâm lý đám đông mà không còn tự chủ được hành vi của mình, có những hành vi phản cảm hay thậm chí là bạo lực tập thể dưới danh nghĩa chung.
Thứ hai là cảm giác vô danh. Khi ẩn danh, nhiều người cảm thấy dễ dàng bày tỏ ý kiến tiêu cực hoặc thậm chí là hành vi troll (trêu đùa) mà không sợ hậu quả. Ẩn danh giúp người dùng thoát khỏi những hậu quả trực tiếp về mặt xã hội, pháp lý mà họ có thể phải đối mặt nếu hành vi đó được thực hiện ngoài đời thực. Sự vô danh có thể dẫn đến việc gia tăng các hành vi xã hội không chấp nhận được, làm suy giảm chuẩn mực đạo đức và xã hội chung.
Thứ ba là cảm giác tò mò và thích kích thích. Những nội dung gây tranh cãi hay động chạm tới sự tò mò bản năng có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn những thông tin tích cực hoặc bình thường. Những thông tin gây sốc có thể cung cấp một cảm giác giải trí ngắn hạn, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Sự tò mò không kiểm soát có thể khiến người dùng mạng xã hội dễ dàng bị lôi cuốn vào các hoạt động tiêu cực, bỏ qua những tác động của nó đối với những người khác, gây ra các hệ lụy đạo đức nghiêm trọng.
Học cách bảo vệ bản thân, học cách dùng mạng xã hội
Từ góc độ nạn nhân bị bạo lực trên mạng xã hội, có rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Đối với nạn nhân, họ có thể cảm thấy mất mặt trước bạn bè, gia đình và xã hội. Sự xấu hổ và cảm giác tội lỗi này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tự trọng và hình ảnh bản thân họ. Và có thể ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe tinh thần của họ.
Các vụ việc tiêu cực này có thể dẫn đến trầm cảm với các triệu chứng như mất ngủ, mất ăn, mất hứng thú với cuộc sống và suy nghĩ tiêu cực về bản thân và tương lai.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng sự việc sẽ gây ảnh hưởng đến danh tiếng và cơ hội nghề nghiệp của cá nhân đó, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức họ đang công tác.
Do đó, chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương cho rằng: “Mỗi người cần phải học cách bảo vệ bản thân đồng thời học cách sử dụng mạng xã hội văn minh và có hiểu biết”.
Chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam |
Cụ thể, tăng cường giáo dục trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Mọi người cần được nhắc nhở về trách nhiệm của bản thân khi tham gia vào môi trường mạng. Việc sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức sẽ hạn chế những hệ lụy không đáng có.
Bên cạnh đó, cần có sự can thiệp kịp thời từ chuyên gia tâm lý để hỗ trợ nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như bảo vệ quyền riêng tư của họ. Cuối cùng là tăng cường pháp lý, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía nhà nước trong việc quản lý và xử phạt các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trên mạng.
“Việc lan truyền thông tin tiêu cực không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề cộng đồng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để hạn chế những tác động xấu đến mọi người”, chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương khẳng định.