Từ vụ bé gái bị vật cứng rơi trúng đầu: Báo động về văn hóa sống chung cư
Mới đây, một vụ việc bé gái 8 tuổi đang vui chơi ở sân chung cư ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ bị vật cứng rơi trúng đầu gây thương tích, chảy máu phải đi cấp cứu đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Sự việc sau đó đã phải có sự can thiệp của cơ quan công an.
Theo người nhà của cháu bé, đây không phải lần đầu xảy ra sự việc này, bởi trước đó đã xảy ra nhiều trường hợp vật thể lạ rơi từ trên cao xuống khu vực vui chơi, lối đi lại, đe dọa sự an toàn, tính mạng của cư dân. Đây là tình trạng đáng báo động bởi không ít chung cư tại Hà Nộivà các tỉnh thành khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, hoặc các hành vi không chuẩn mực.
Có thể thấy, thời gian qua việc người dân lựa chọn chung cư để an cư, lạc nghiệp đang trở thành xu hướng, đặc biệt với giới trẻ hiện nay. Thế nhưng, bên cạnh việc môi trường sống phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, sạch sẽ, tiện lợi, thì tại một số chung cư, vẫn xuất hiện những hành vi thiếu ý thức và gây bức xúc dư luận.
Theo các chuyên gia, chung cư ngày nay chỉ mới đảm bảo được việc xây dựng các căn hộ, chưa chú trọng đến các không gian cộng đồng. (Ảnh minh họa) |
Theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, việc ném đồ từ tầng cao chung cư là hành vi nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 phụ lục 1. Đây có thể được coi là công cụ pháp lý quan trọng, là cơ sở để xây dựng văn hóa chung cư.
Trên thực tế, hầu hết các chung cư đã xây dựng bản nội quy, quy tắc ứng xử, song việc xả rác bừa bãi, mở âm thanh quá giờ quy định, âm lượng quá lớn; nghịch chuông báo cháy khiến mọi người chạy tán loạn, tranh nhau chỗ đậu xe, “lời qua, tiếng lại” dẫn đến đánh nhau… hay gần đây nhất là vụ việc vật thể lạ rơi vào đầu cư dân như ở trên vẫn xuất hiện.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có nhiều nguyên nhân và một trong số đó chính sự khác biệt về lối sống, tập quán, đặc biệt là thói quen, lối sống tùy tiện, thiếu văn hóa đã làm xuất hiện những hành vi kém duyên, thậm chí là thiếu văn hóa tại các chung cư. Cũng theo các chuyên gia, chung cư ngày nay chỉ mới đảm bảo được việc xây dựng các căn hộ, chưa chú trọng đến các không gian cộng đồng. Một cộng đồng dân cư đông đúc nhưng thiếu gắn kết chặt chẽ, thậm chí mạnh ai nấy sống.
“Trong không gian sống đặc thù theo chiều thẳng đứng, có hàng trăm, hàng nghìn người đến từ tứ xứ, đủ các vùng miền với xuất phát điểm, điều kiện kinh tế, trình độ hiểu biết, cả phương ngữ, khẩu ngữ, tập tục văn hóa cũng khác về chung sống trong một không gian đặc thù - vừa chung lại vừa riêng nên cư dân không thể tự do như khi ở nhà riêng dưới mặt đất. Ở chung cư sự tự do cá nhân luôn đặt trong giới hạn tự do của nhiều người khác. Như gia đình tôi luôn phải để ý không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh”, chị Nguyễn Hồng Vân, cư dân chung cư Green Star (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng văn hóa ứng xử hay nếp sống văn minh ở các khu chung cư không tự nhiên mà có và nó cần phải được gây dựng từ khâu quản lý, lập dự án, đưa vào vận hành cho đến từng hộ gia đình, từng cư dân. Không có khu chung cư nào tự dưng hoàn hảo, bởi đẹp hay xấu, văn hóa hay chưa văn hóa, văn minh mà việc kém văn minh đều do mỗi cá nhân nhận thức và đóng góp xây dựng, có ý thức sống phù hợp với văn hóa tập thể.
Để góp phần xây dựng văn hóa chung cư, tạo dựng môi trường sống an toàn, văn minh và không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên, mỗi người dân khi sinh sống trong các tòa chung cư cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, luôn thể hiện sự văn minh, văn hóa trong cách nghĩ, cách làm, ứng xử hòa nhã trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi sống tại không gian chung chiếm phần nhiều. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và Ban quản lý các khu chung cư cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh.