Không để doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà
Đã có thời gian, thị trường bán lẻ Việt Nam rúng động vì sự đổ bộ liên tiếp từ những doanh nghiệp ngoại. Tiếng gõ cửa đầu tiên vào năm 2008 là của đại gia bán lẻ đình đám Hàn Quốc: Tập đoàn Lotte.
Tới năm 2014, nhà bán lẻ số 1 Nhật Bản Aeon đánh dấu sự xuất hiện của mình với 13 tỷ yên đổ vào Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú (TP.HCM).
Cũng khoảng thời gian này, Tập đoàn TCC của tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan bất ngờ mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Cary tại Việt Nam. Thương vụ trị giá 655 triệu euro - con số khiến cả thị trường phải “tròn mắt” về độ chịu chơi của người Thái.
Chỉ sau đó ít lâu, tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group khuấy động thị trường với việc mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim. Được đà, người Thái thôn tính luôn chuỗi siêu thị Big C từ tay ông chủ Pháp với giá hơn 1 tỷ USD.
Từ thời điểm ấy, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về viễn cảnh, "đàn cá mâp" ngoại có thể sẽ chi phối hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước. Mặc dù nguyên tắc thị trường là cạnh tranh, nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề nếu doanh nghiệp nội bị cắt nguồn hàng, đẩy ra ngoài cuộc chơi ngay trên sân nhà.
Sự lo lắng ấy không phải là không có lý khi dưới thời của người Thái, Big C bất ngờ thông báo tạm dừng mua may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam. Chỉ khi sự việc bùng lên, cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, Big C mới "xuống nước". Trước đó, Thế Giới Di Động cũng buộc phải rời khỏi hệ thống của Big C trên toàn quốc.
Không chỉ với Big C, chính người trong cuộc đã lên tiếng, nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới nhưng không thể đưa hàng hóa lên kệ siêu thị thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài. Không phải hàng nội địa kém chất lượng. Đơn giản vì doanh nghiệp Việt là "khách lạ" trên chính sân nhà của mình.
Giữa cuộc chơi dần có xu hướng một chiều ấy, VinCommerce với chuỗi VinMart, VinMart+ xuất hiện đánh tan đi lo lắng.
VinCommerce không thiếu tiền và chịu đầu tư lớn để tạo độ phủ. Trên tất cả, VinCommerce có cái nhìn dài hạn, chiến lược bài bản. Cách làm của đại gia Việt là xây dựng một chuỗi cung ứng từ gốc, hỗ trợ tối đa các nhà sản xuất trong nước. Chẳng hạn, năm 2017, hệ thống này hợp tác với gần 250 doanh nghiệp Việt Nam trong chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Toàn bộ phần chiết khấu được VinMart và VinMart+ hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Với cách làm có tâm ấy, không khó để hiểu vì sao, VinMart & VinMart+ có tới 2.600 siêu thị và cửa hàng - một con số không tưởng với một thương hiệu 5 năm tuổi.
Nhiều chuyên gia trong ngành đều thừa nhận, nếu không có “anh cả” VinMart & VinMart+, thị trường bán lẻ có thể đã bị xâu xé bởi những đại gia ngoại. Hệ quả không chỉ là bàn thua của các nhà sản xuất nội địa mà sẽ là của cả nền kinh tế.
Bức tường chắn sóng của doanh nghiệp nội
Giữa lúc đang phát triển mạnh mẽ nhất, Vingroup bất ngờ tuyên bố, VinCommerce cùng VinEco sẽ sáp nhập với Masan Consumer Holding để thành lập 1 tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới.
Ông chủ của Masan, Lê Đăng Quang từng nói: Một thương vụ M&A giống một cái lego, bạn ráp vào để vận hành, để làm hoàn hảo một chiến lược.
Mảnh ghép Vingroup và Masan khớp một cách hoàn hảo trong cuộc chơi "lego bán lẻ" bởi với thương vụ này, Masan sẽ nắm được hệ thống bán lẻ lớn nhất nước. Vốn là đại gia trong ngành sản xuất thực phẩm và nước giải khát với nhiều sản phẩm có tiếng như: Chinsu, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Vinacafe, Wake-up 247,..., hiện tại Masan đã rộng cửa để phủ trong 2.600 điểm bán hàng của VinMart và VinMart+.
Ngược lại, Vingroup cũng không giấu giếm việc tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế. Tất cả bắt nguồn từ chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ - công nghiệp của Vingroup.
Hai kế hoạch gặp nhau ở một điểm, cả Vingroup và Masan sẽ có cơ hội phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn. Đại gia ngành thực phẩm đã mở con đường thênh thang cho đầu ra của mình. Còn Vingroup, khát vọng làm công nghệ công nghiệp sẽ được hiện thực hóa bằng tất cả tâm huyết, thời gian và tiền bạc. Vingroup đã “sinh ra” VinMart & VinMart+ đủ sức cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí lấn lướt tất cả những ông lớn danh tiếng nhất thế giới vào Việt Nam. Không có lý gì, khi đặt tất cả tâm trí vào một sản phẩm thuần Việt khác, Vingroup lại không làm được điều hơn thế.
Quan trọng nữa, với sự bắt tay của hai đại gia trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, người Việt không cần lo lắng khi thị phần bán lẻ sẽ rơi vào tay người Thái, người Nhật hay người Hàn. Chắc chắn, sẽ luôn có một bước tường chắn sóng của riêng Việt Nam làm đối trọng với doanh nghiệp ngoại.
Đã từ lâu, các doanh nghiệp sản xuất nội luôn mong muốn tìm một sân chơi công bằng, nơi họ không bị chèn ép bằng đủ thứ chiết khấu và ràng buộc. Vingroup đã làm được điều ấy và chắc chắn với sự hợp tác cùng Masan, hai ông lớn sẽ còn làm được nhiều hơn thế.
Sau tất cả, người ta thấy được góc cạnh rất khác của doanh nghiệp Việt. Thay vì đấu đá, cạnh tranh kẻ sống người chết, những doanh nghiệp trong nước bây giờ cùng ngồi lại, dám từ bỏ miếng bánh “ngon ăn” bậc nhất của mình vì sự phát triển của cả một nền kinh tế. Đó mới thực sự là tầm vóc và tư duy của doanh nghiệp Việt.
VinMart & VinMart+ chắc chắn là miếng bánh ngon nhất thị trường bán lẻ. Vingroup hoàn toàn có thể bán cho bất kỳ đại gia ngoại nào trả giá cao nhất. Thế nhưng, Vingroup lại chọn Masan. Tiền chưa chắc là tất cả trong một quyết định. Vingroup và Masan hiểu sau lưng mình là hàng nghìn doanh nghiệp và cả triệu con người. Không gì đánh đổi được những giá trị ấy.