Từ người viết sách ‘bắt thóp B52’ ở tuổi 29 đến ngòi bút Công Thương
Từng là tác giả trẻ viết tiểu thuyết về tình báo quân đội khi mới 29 tuổi, nay là phóng viên thường trú của Báo Công Thương tại Vĩnh Phúc, nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy là hình ảnh đẹp về thế hệ trưởng thành trong hòa bình, dấn thân, trung thành và đầy khát vọng viết tiếp những điều chưa kể về đất nước, về sự đổi thay, từ trong từng vết thương chiến tranh.
Ngòi bút lạ tuổi hai chín
Tiểu thuyết “Mảnh giấy bạc" |
Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khi cả nước đang sống trong ký ức và tự hào, tôi lại nhớ đến một cuốn sách đặc biệt: “Mảnh giấy bạc”. Không phải bản hùng ca đại tự sự, cũng không phải sử liệu khô cứng, đó là tiểu thuyết tình báo được viết bằng tâm trí của một người trẻ hậu chiến - nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy, khi ấy chị mới gần 30 tuổi.
Còn nhớ, năm đó tôi là phóng viên phụ trách chuyên mục Chân dung người lính của Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, lần đầu đọc bản thảo sách ấy tôi đã thốt lên: “Người viết sách bắt thóp B52 lẽ nào lại là một cô gái chưa tới 30 tuổi?!” - một tiêu đề sau này trở thành một trong những bài báo đầu tiên giới thiệu Thủy với công chúng. Giữa thời cuộc sôi động, một cây bút nữ dám chạm vào địa hạt tình báo, lại bằng tiểu thuyết, là chuyện xưa nay hiếm.
Viết về tình báo, lời tri ân hậu sinh
Tác phẩm lấy chất liệu từ những lần chị được Đại tá Phan Mạc Lâm, nguyên Chánh Văn phòng Tổng cục 2 và được nghe kể lại ký ức chiến tranh, những mảnh giấy chuyển tay, những cuộc gặp thoáng qua nhưng mang tính sống còn, những trận đánh bằng trí tuệ và lòng trung thành với Tổ quốc.
“Mảnh giấy bạc” chính là một biểu tượng. Trong truyện, nó là tài liệu quân báo giả được tung ra để đánh lừa CIA, khiến cuộc ném bom B52 thất bại ở Hà Nội. Nhưng trong thực tế, nó là biểu tượng cho một thế hệ sống sau chiến tranh, nhưng không cho phép mình quên chiến tranh. Viết tiểu thuyết với tư cách hậu sinh là một cách tri ân, một cách để cảm ơn thế hệ cha anh bằng chính con chữ của mình.
Từ Vĩnh Phúc đến mọi miền Tây Bắc: Người viết chính sách bằng tấm lòng
Là phóng viên cơ quan báo chí địa phương, nhưng chính nơi ấy đã rèn cho chị bản lĩnh, cảm quan thực tế và phong cách làm báo gần dân, sát dân. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chị nổi bật là cây bút chủ lực của tòa soạn, chuyên đi cơ sở, dấn thân tại các địa bàn phức tạp, xa xôi để khai thác đề tài từ thực tiễn cuộc sống.
Điều đáng quý là, dù ở địa phương, chị không bó hẹp mình trong khuôn khổ tuyên truyền hành chính mà luôn chủ động chọn những đề tài gai góc như điều tra sai phạm trong sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên, phản ánh những bức xúc trong cải cách hành chính, tham nhũng vặt. Nhiều loạt bài của chị được các báo lớn đăng tải, tạo tiếng vang và tác động xã hội rõ rệt.
Song song với đó, chị cũng là một trong số ít phóng viên báo tỉnh tham gia viết chuyên sâu về mảng xây dựng Đảng, tư tưởng - lý luận. Chị đã có nhiều bài phản biện những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh thông tin mạng xã hội bùng nổ. Chính điều này đã giúp phóng viên Thu Thủy liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn như: Giải Khuyến khích Báo chí Quốc gia 2023, Giải Chuyên đề Búa liềm vàng Toàn quốc 2 năm 2022, 2024, giải B Giải Búa liềm vàng Toàn quốc 2023, Giải A báo chí về Xây dựng Đảng tỉnh Vĩnh Phúc 2023, Giải A, B, C giải Báo chí tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm liền và nhiều giải thưởng báo chí trung ương khác...
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy |
Không bó mình trong chính trị, chị còn là tác giả của hàng loạt phóng sự chân dung xúc động về người lính, người thầy, người phụ nữ dân tộc, những gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách viết dung dị, giàu chi tiết, cảm xúc nhưng tỉnh táo.
Giờ đây, nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy là phóng viên thường trú của Báo Công Thương tại Vĩnh Phúc. Đồng thời phụ trách theo dõi địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Điện Biên và nhiều địa phương vùng Tây Bắc. Công việc của chị không còn là những trang tiểu thuyết, mà là những bài phóng sự thực tế, những loạt bài chính luận phản ánh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngay trên vùng đất năm xưa bị bom cày đạn xới.
Chị viết về nhà máy ở miền núi, các chương trình khuyến công, về chuyển đổi số trong sản xuất, về công nhân dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề. Những bài viết của chị không hề tô hồng, cũng không bi lụy. Nó như chính con người chị, đi, ở, sống cùng vùng đất, rồi viết ra bằng một trái tim tỉnh táo.
Xuất thân từ Báo Vĩnh Phúc, nơi chị từng là cây bút phóng sự điều tra nổi bật, Thủy đã từng bước chuyển mình khi về Báo Công Thương, một cơ quan báo chí của Bộ kinh tế đa ngành đầy thách thức. Từ chỗ viết chuyện người nghèo, chị chuyển sang phân tích cơ chế kinh tế. Từ chỗ đi chợ phiên, chị bước vào những hội thảo công nghiệp, chuỗi cung ứng và CPTPP.
Không dễ dàng, nhưng chị không ngại học. Và chính nhờ tinh thần dấn thân, chị tiếp tục đạt giải Báo chí Búa liềm vàng năm 2024 khi đã chuyển về công tác tại Báo Công Thương với loạt bài chính luận về những đổi mới sáng tạo để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, trong đó có vai trò nổi bật của ngành Công Thương.
Nhà báo Thu Thủy nhận giải Báo chí Búa liềm vàng năm 2024 |
Viết để đồng hành cùng các vùng đất đổi mới
Có lẽ điều khiến tôi quý mến Thu Thủy hơn cả, là chị không viết để “phản ánh” mà để “kết nối”. Mỗi bài viết về vùng sâu, vùng xa của chị luôn gắn với một sự thấu hiểu chính sách, một sự tôn trọng lịch sử và một khát vọng đưa ánh sáng công nghiệp hóa đến nơi từng bị bỏ quên.
Chị viết về cô gái Dao ở Tân Uyên được học nghề may công nghiệp, về dự án điện sinh khối giữa lòng Mường Lay, về lò gạch nung cải tiến giúp giảm phát thải ở huyện Thanh Sơn… Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy, lại chính là mạch sống của một nền kinh tế bền vững.
Giữa thời đại mà mạng xã hội lên ngôi, nơi nhiều người vội vàng viết để kịp xu hướng, thì Thủy chọn đi chậm. Nhưng từng bước của chị đều in dấu trên đất đỏ, trên triền núi, trong từng bản tin phản ánh một chính sách đang đi vào đời sống.
Từ “Mảnh giấy bạc” ngày nào, đến những trang báo hôm nay, Nguyễn Thị Thu Thủy đã chứng minh rằng: Viết về chiến tranh không chỉ là quá khứ mà là trách nhiệm với hiện tại. Viết về tình báo không chỉ là tái hiện mà là tri ân. Và làm báo hôm nay là để góp phần xây dựng những vùng đất từng bị tàn phá trở thành trung tâm phát triển mới của quốc gia.
Chia sẻ cảm xúc trong ngày 30/4, Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tác giả tiểu thuyết “Mảnh giấy bạc” đong đầy cảm xúc và hé lộ, chị đang viết tiếp hơn 10 chương để sớm tái bản, hứa hẹn mang đến cho công chúng thêm những chiến công của các nhà tình báo Việt Nam. Bạn đọc chắc chắn sẽ thỏa mãn hơn vì nhiều bí mật được tiết lộ và nhiều mối quan hệ tình báo rất phức tạp sẽ được “bạch hóa”… Từ đó, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về công việc của các nhà tình báo… Họ là những anh hùng thầm lặng trên một chiến trường cũng hết sức thầm lặng nhưng vô cùng cam go, khốc liệt! |