Từ ngày 1/7, mức lương đối với phóng viên thay đổi như thế nào?
Liên quan đến chế độ tiền lương và cách xác định mức lương theo quy định mới, Luật sư Cao Xuân Vượng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trong đó quy định mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng hiện nay sẽ tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), kể từ ngày 1/7/2024.
Theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, có 10 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở, trong đó có viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
“Đối với các cơ quan báo chí thuộc bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương, đều là đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy mức lương sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định này”, Luật sư Cao Xuân Vượng nói.
Theo Khoản 2, Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định. Cụ thể, lương của viên chức được tính theo công thức: Tiền lương = Hệ số lương x lương cơ sở (2,34 triệu đồng/tháng).
Mức lương của phóng viên sẽ được tăng lên từ ngày 1/7. (Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn) |
Luật sư Cao Xuân Vượng cho biết, dựa trên mức lương cơ sở mới được quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP và căn cứ vào Thông tư 13/2022/TT-BTTTT, ngày 26/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xác định rất rõ về cách xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.
Điều 17, Thông tư 13/2022/TT-BTTTT quy định các chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Như vậy, Luật sư Cao Xuân Vượng cho rằng, nhóm biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I có hệ số lương cao nhất có thể lên tới 8,00 nên sẽ được nhận mức lương cao nhất là 8,00 x 2,34 triệu đồng/tháng = 18,72 triệu đồng/tháng.
Nhóm biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III có hệ số lương thấp nhất là 2,34 nên sẽ được nhận mức lương thấp nhất là 2,34 x 2,34 triệu đồng/tháng = 5,475 triệu đồng/tháng.
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền thưởng của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị tự đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, các khoản phụ cấp tính theo % lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng lương cơ sở cộng mức phụ cấp đó nhân với tỷ lệ % được hưởng.
Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện các quy định về mức lương cơ sở tại Nghị định 73/2024 đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội.