Truy quét hàng giả, hàng lậu dịp cuối năm
Để chuẩn bị hàng hóa bán vào dịp cuối năm, các đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để đưa hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… ra thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, “Thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square (địa chỉ số 77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1), thường ngày rất nhộn nhịp khách mua sắm không chỉ người dân ở TP Hồ Chí Minh mà còn là điểm đến được ưa chuộng của cả khách du lịch trong và ngoài nước. Sài Gòn Square thu hút du khách bởi đây được xem là trung tâm của hàng thời trang từ những mặt hàng bình dân đến hàng thương hiệu. Giá bán từ vài chục ngàn đến tiền triệu cho một sản phẩm.
Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng giả, hàng lậu tại các điểm kinh doanh |
Đáng chú ý, tại đây cũng có vô số sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… để thỏa lòng những khách hàng ưa chuộng hàng hiệu nhưng điều kiện kinh tế còn hạn chế. Ngoài ra, đây cũng là nơi cung cấp hàng sỉ cho nhiều cửa hàng thời trang trên địa bàn thành phố.
Ngày 1/11, Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh chia thành 6 Tổ công tác bất ngờ tấn công vào “thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square, kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… tạm giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, trong ngày 2/11, Tổng cục QLTT tiếp tục tăng cường thêm quân số kiểm tra 5 điểm kinh doanh tại Sài Gòn Square, tiếp tục thu giữ hàng nghìn sản phẩm là túi xách, ví cầm tay, balo, thắt lưng, bông tai mang các nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermes, Yves Saint Laurent, Burberry. Các điểm bị kiểm tra đều của những hộ kinh doanh nổi tiếng tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh này có các hành vi vi phạm: bán hàng hoá giảmạo nhãn hiệu; bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu; không đăng ký kinh doanh.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping Sài thành với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương. Tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), chính vì vậy các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi “làm giàu” của nhiều hộ kinh doanh bởi “siêu lợi nhuận” từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Tiếp đó, ngày 3/11, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) phối hợp Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của điểm kinh doanh và chứa trữ hàng hóa Nhật Si 68, địa chỉ đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Khánh Hồng Linh (SN 1993) là chủ kinh doanh. Kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện 1.903 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Gucci, Dior,… chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Khánh Hồng Linh trình bày toàn bộ hàng hóa nêu trên do ông Linh làm chủ sở hữu, được mua trôi nổi trên thị trường trong nước, khi mua không có hóa đơn chứng từ, không rõ họ tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của người bán. Hàng hóa ông Linh mới mua về trưng bày để bán thì bị cơ quan chức năng kiểm tra, tạm giữ.
Trước đó, ngày 28/10, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy 2 lô hàng hóa có tổng trị giá trên 18 tỷ đồng là mỹ phẩm nhập lậu và thuốc phòng bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số hàng này gồm 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi là mỹ phẩm nhập lậu được phát hiện, thu giữ tại điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q. Phong (tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) và 119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người các loại không xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, được thu giữ tại điểm chứa hàng của Ông B.V.Phong (phường 15, quận 10). UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.Đ.Q Phong số tiền hơn 98 triệu đồng và ông B.V.Phong 97,5 triệu đồng.
Vì lợi nhuận các đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để đưa hàng giả, hàng lậu ra thị trường, kể cả những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng như một số mặt hàng mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh…
Thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vùng biển và địa bàn nội địa TP Hồ Chí Minh. Theo đó, giao Cục QLTT chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt, Công an thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các loại mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thép, linh kiện điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc lá, đường cát, phân bón... và các loại hàng cấm, hàng hóa gian lận xuất xứ... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa chung.