Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương (2/10/1945 - 2/10/2024), Đảng ủy và Ban Chấp hành Công đoàn Báo Công Thương đã tổ chức "Hành trình về nguồn 2024" tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, dâng hương tại khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương tại tỉnh Tuyên Quang và khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên.
Đây là hoạt động thường niên của Báo Công Thương nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó giúp các cán bộ, phóng viên tìm hiểu về lịch sử cũng như các hoạt động của ngành Công Thương trong những ngày đầu thành lập.
Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là "địa chỉ đỏ" của những người làm báo - Ảnh: Cấn Dũng |
Trong chuyến thăm, đoàn đã tìm hiểu về truyền thống cách mạng, quá trình ra đời của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; xem các tư liệu, hiện vật quý và tên tuổi những nhà báo gắn liền với sự ra đời của Trường.
Vinh dự, tự hào và xúc động là cảm xúc chung của những người làm Báo Công Thương khi được đến thăm và tác nghiệp tại Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Nhiệt huyết, bản lĩnh, dấn thân của lớp báo chí đầu tiên ở mái trường đơn sơ này tiếp tục là ngọn lửa soi đường dẫn dắt, giúp đội ngũ những người làm báo vững tin vào con đường mình đã chọn và cống hiến viết tiếp trang sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: Cấn Dũng |
Cách đây tròn 75 năm, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở giữa ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam và là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên tinh thần, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo chí cách mạng cho các học viên. Người căn dặn: "Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".
Từ ngôi trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên như: Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… đã có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất. Nhiều tác phẩm báo chí đã thật sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước đoàn kết, đứng lên xóa bỏ xiềng xích nô lệ, đấu tranh giành chính quyền và góp phần làm nên những chiến thắng vang dội.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, thông qua các hiện vật, tư liệu được trưng bày tại đây, các thế hệ phóng viên của Báo Công Thương càng hiểu thêm về những đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây đắp nền báo chí nước nhà của những nhà báo cách mạng.
Tinh thần, nhiệt huyết cách mạng ấy càng trở nên ý nghĩa hơn trước thềm kỉ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương, để mỗi cán bộ, phóng viên của Báo tiếp tục trau dồi kiến thức, chuyên môn, trở thành những cây bút tiên phong trên mặt trận báo chí nói chung và báo chí trong lĩnh vực kinh tế nói riêng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động Báo Công Thương chụp ảnh chung dưới bức phù điêu tại Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: Cấn Dũng |
Có thể nói, 79 năm đồng hành cùng đất nước, cùng ngành Công Thương, Báo Công Thương đã đi từ những mùa xuân đầu tiên đầy khó khăn của ngày mở nước đến những mùa xuân đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.
Hàng triệu tin tức, hàng vạn bài báo đăng trên các ấn phẩm Báo Công Thương đều tập trung phản ánh sâu đậm hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những vấn đề then chốt trong công tác xây dựng Đảng, các nhiệm vụ trung tâm về phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa thành nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tích cực chủ động hợp tác quốc tế; tích cực tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội, tăng cường đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhanh chóng tiếp cận, tranh thủ thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Báo Công Thương trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, những đóng góp tích cực của Báo Công Thương trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp ý phản biện, xây dựng chính sách… đã góp phần vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua. Ngòi bút của những người làm Báo Công Thương hôm nay vẫn chung nhịp, tiếp tục xung kích trên mặt trận kinh tế cùng khát vọng của Bác Hồ năm xưa, để đất nước ta dân giàu nước mạnh, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.