Tại Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì vào chiều ngày 2/10, đại diện các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến với Ban Soạn thảo.
Đại diện Bộ Công an: Đồng tình với quan điểm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau
Theo đại diện Bộ Công an, trong lần thứ 4 sửa đổi, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đã khắc phục những tồn tại và bám sát các góp ý của Bộ Công an.
Về công bố giá xăng dầu, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung cơ chế giám sát, cơ chế quản lý trên cơ sở áp dụng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
Đại diện Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng |
Bộ Công an đồng ý với Bộ Công Thương ở việc chỉ cho phép thương nhân phân phối mua hàng của thương nhân đầu mối, không mua bán lẫn nhau để đảm bảo sự minh bạch nguồn cung.
Đại diện Bộ Tư pháp: Cơ chế điều hành giá xăng dầu phải theo quy định của Luật Giá
Theo đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đồng hành với Bộ Công Thương trong cả quá trình xây dựng nghị định. Bộ Tư pháp có một số ý kiến như sau: Đối với nội dung về công bố giá xăng dầu, trong tờ trình khi Bộ Tư pháp có ý kiến thì Bộ Công Thương đã có giải trình, việc quy định dự thảo nghị định tại Khoản 1, Điều 31 là giá bán mua lẻ xăng dầu hiện nay thì thương nhân đầu mối xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
So với nội dung trước đây, Ban soạn thảo có bỏ cụm từ là “tối đa” để tránh cách hiểu đây là quy định mức trần.
Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng |
Về nội dung cơ chế điều hành giá xăng dầu, khi công bố giá xăng dầu, thì mặt hàng xăng dầu là sản phẩm thuộc thành phần bình ổn giá, thuộc danh mục hàng bình ổn giá. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, cơ chế điều hành cũng phải theo quy định của Luật Giá đối với hàng hóa bình ổn.
Đại diện Văn phòng Chính phủ: Dự thảo đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính
Theo chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ thì Vụ Kinh tế tổng hợp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân công chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu này. Cục Kiểm soát thủ hành chính có vai trò phối hợp trong thẩm tra về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin.
Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cục Kiểm soát thủ hành chính, thì Cục đã có văn bản gửi cùng Công văn số 6718 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, trong đó có một nội dung đề nghị Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong dự thảo nghị định và chúng tôi đã có những ý kiến rất cụ thể ở trong phụ lục 3 trang của Công văn 6718.
Trên cơ sở hồ sơ trình nghị định theo Tờ trình số 6268 của Bộ Công Thương, chúng tôi nhất trí ý kiến lúc đầu Bộ trưởng nói, cũng như ý kiến trình bày của đồng chí Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương về thủ tục hành chính. Dự thảo đã được Bộ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều so với quy định hiện hành.
Đại diện Văn phòng Chính phủ phát biểu: Ảnh: Cấn Dũng |
Ngoài ra, Bộ cũng đã cắt giảm thành phần hồ sơ, cũng như là các yêu cầu, điều kiện nên chúng tôi nhất trí với những trình bày và những nội dung quy định trong dự thảo.
Chúng tôi cũng nhất trí là làm sao các quy định về thủ tục hành chính ở trong dự thảo phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, nhưng cũng phải đảm bảo được mục tiêu của quản lý nhà nước.
Tuy nhiên trong dự thảo, trên cơ sở góp ý chúng tôi thấy còn một số những quy định về thủ tục hành chính, cũng như quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh Ban Soạn thảo cần phải rà soát để hoàn thiện.
Tôi lấy ví dụ như theo quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính phải được quy định đảm bảo sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, thì sự cần thiết và tính hợp pháp trong dự thảo đã khá đảm bảo, không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, về tính hợp lý thì còn nhiều điều phải hoàn thiện. Ví dụ như các quy định về thủ tục hành chính chưa được đầy đủ về thành phần hồ sơ, về trình tự thực hiện, hoặc về các mẫu đơn, mẫu tờ khai là chưa có.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của giai đoạn 2020 - 2025, đã yêu cầu đối với các bộ, ngành phải rà soát kỹ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các yêu cầu kỹ thuật, cũng như kiểm tra chuyên ngành, những quy định về yêu cầu điều kiện trong hoạt động kinh doanh... Năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45 về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tuy nhiên trong dự thảo nghị định này Ban Soạn thảo chưa có quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Do đó, cần phải bổ sung, có thể là toàn phần hoặc 1 phần nhưng bắt buộc phải quy định trong đây…