Trường Đại học Điện lực: Không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy |
Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Do vậy, những năm qua Trường Đại học Điện lực đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyển sinh, đào tạo, hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học.
Cuộc CMCN là nền tảng để chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Đồng thời, sẽ tạo ra những thay đổi lớn về kỹ năng trong công việc, kéo theo sự thay đổi tương ứng về năng lực của người lao động để đáp ứng những yêu cầu của CMCN.
Trước những thách thức của thị trường lao động, Trường Đại học Điện lực đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt từ công tác tuyển sinh, xây dựng giáo trình, phương pháp đào tạo, nâng cao trang thiết bị dạy và học… Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao và được các doanh nghiệp đánh giá cao, thị trường đón nhận.
Nhờ đó, từ năm 2018-2022, công tác tuyển sinh của trường đã tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, nếu như năm 2018 số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học là 2.551 sinh viên đạt tỷ lệ 80% chỉ tiêu đặt ra thì đến năm 2022 số thí sinh trúng tuyển nhập học là 3.632, đạt hơn 100% so với chỉ tiêu đặt ra. Điểm trúng tuyển các ngành năm sau cao hơn năm trước và phân bổ đồng đều cho 19 ngành đào tạo.
Đến năm 2022, Trường Đại học Điện lực đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 19 ngành Đại học chính quy, 10 ngành đào tạo Thạc sĩ, 7 ngành đào tạo bậc tiến sĩ. Với quy mô đào tạo đạt trên 15.000 sinh viên, các bậc đào tạo của trường đều được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tuân thủ đúng quy định, quy chế của trường.
Giáo viên khoa điện tử viễn thông hướng dẫn sinh viên tại phòng Lab |
PGS.TS Đinh Văn Châu- Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực - cho biết, tất cả các chương trình đào tạo (CTĐT) của trường đều được xây dựng theo đúng quy định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo. Các CTĐT có mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra CTĐT rõ ràng với cấu trúc hợp lý, được thiết kế có tính hệ thống, thể hiện được tính đặc thù của từng ngành đào tạo, sự phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường và cơ bản phù hợp với mục tiêu giáo dục quy định tại Luật giáo dục đại học.
Bắt kịp nhu cầu của thị trường lao động
Trên cơ sở tham khảo các CTĐT tiên tiến, khảo sát lấy ý kiến của các bên liên quan, các CTĐT đều được nhà trường định kỳ rà soát, đánh giá, cải tiến chất lượng và được cập nhật một cách khoa học nhằm cấu trúc lại, tạo sự thống nhất cả về nội dung và trình tự thực hiện các học phần trong CTĐT. Từ đó, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như những thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0.
“Nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, đổi mới sáng tạo, cập nhật và áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với xu thế, chú trọng tăng tỷ lệ thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế, thực hành khởi nghiệp để giúp người học chủ động lựa chọn được phương pháp học tập phù hợp nhằm lĩnh hội được các kiến thức và kỹ năng để đạt được chuẩn đầu ra” - PGS.TS Đinh Văn Châu cho biết thêm.
Với mục đích tăng chất lượng kiểm tra đánh giá, tăng độ tin cậy, giá trị và sự công bằng cho người học, trường luôn quan tâm đến việc đa dạng hóa các hình thức đánh giá, phương pháp và công cụ đánh giá. Kết quả học tập của người học được lưu trữ đầy đủ, chính xác, an toàn. Người học dễ dàng tra cứu kết quả học tập của mình.
Từ năm 2018 đến nay, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động, trường đã mở thêm 2 ngành trình độ đại học (Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành), 3 ngành thạc sỹ và 3 ngành tiến sỹ. Các chương trình đào tạo sau đại học của nhà trường được định kỳ rà soát và cập nhật theo các quy định hiện hành.
Cũng từ năm học 2018, nhà trường bắt đầu triển khai đào tạo các CTĐT trình độ tiến sĩ, tổng số nghiên cứu sinh đến hiện tại là 29 nghiên cứu sinh cho 7 ngành đào tạo. Trong năm 2022 nhà trường đã có 1 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường; 2 nghiên cứu sinh bảo vệ cấp cơ sở. Các đề tài luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, chất lượng của luận án được các hội đồng đánh giá cao, thể hiện qua các công trình khoa học công bố liên quan đến đề tài luận án.
Năm 2022, trường đã có 6 CTĐT được Cục quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công nhận là CTĐT đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trường tiếp tục tập trung vào kế hoạch hành động chính nhằm hỗ trợ cải tiến chất lượng CTĐT như: Tổ chức triển khai công tác tự đánh giá các CTĐT; tổ chức hội thảo định hướng đào tạo; đẩy mạnh công tác biên soạn giáo trình; tích cực chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy; triển khai các hoạt động đào tạo hợp tác với nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm có thể ứng dụng chuyển giao và thương mại hóa nguồn thu, gia tăng thương hiệu và uy tín cho trường.
Với truyền thống đào tạo trong lĩnh vực điện - điện tử (hệ đào tạo thường xuyên), trong suốt những năm qua nhà trường đã thực hiện công tác tuyển sinh và đào tạo hình thức vừa làm vừa học rất tốt, bình quân hàng năm luôn giữ được số lượng tuyển sinh gần 500 sinh viên.
“Đây có thể nói là một sự bứt phá vượt bậc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở đào tạo đại học có thế mạnh và sự khẳng định về uy tín, chất lượng của nhà trường trong công tác đào tạo thường xuyên” - PGS.TS Đinh Văn Châu khẳng định.