Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội: Đổi mới toàn diện công tác đào tạo
Nhằm làm rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đồng Trung Chính - Hiệu trưởng nhà trường.
Xin ông cho biết, thời gian qua nhà trường đã có những thay đổi như thế nào trong công tác đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động?
Từ năm 2017, tất cả các cơ sở đào tạo từ trình độ cao đẳng trở xuống (trừ các trường sư phạm) trở thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc quản lý nhà nước về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dẫn đến việc phải thực hiện theo các quy định mới về GDNN. Trước tình hình đó, nhà trường đã thực hiện rất nhiều những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, trong đó có hoạt động đào tạo.
TS. Đồng Trung Chính (phải) đại diện nhà trường nhận Chứng nhận đối tác chính thức từ Lãnh đạo Tập đoàn Laurus Education (Australia). Ảnh: Đức Hải |
Theo đó, nhà trường đã tiến hành xây dựng quy chế đào tạo phù hợp với các quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về đào tạo nghề. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng mới và chuyển đổi các chương trình đào tạo phù hợp với Luật GDNN, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Đến nay, nhà trường đã có 19 nghề trình độ cao đẳng, 15 nghề trình độ trung cấp, 8 nghề trình độ sơ cấp (chưa kể việc đào tạo liên thông giữa các nghề) thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề Kinh tế - Quản lý; Kế toán - Tài chính - Dịch vụ; Kỹ thuật - Công Nghệ. Nhà trường còn thường xuyên thực hiện việc rà soát, cải tiến các chương trình đào tạo, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thực tiễn của thị trường lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng. Bên cạnh việc tự biên soạn giáo trình, bài giảng thì một số môn học nhà trường thực hiện mua giáo trình của các đơn vị có uy tín để phục vụ hoạt động đào tạo cho một số nghề. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tổ chức giảng dạy: Kết hợp giảng dạy tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp; kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp trên lớp với giảng dạy trực tuyến trên nền tảng số...
Những thay đổi trong công tác đào tạo đã giúp nhà trường thay đổi về quy mô và chất lượng đầu ra sinh viên ra sao, thưa ông?
Có thể khẳng định, sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác đào tạo đã mang lại vị thế mới cho nhà trường trong cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Cụ thể, những năm qua, mặc dù công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2017 đến nay quy mô đào tạo của nhà trường đã tăng dần hàng năm. Nếu như năm 2017 tổng quy mô của nhà trường chỉ có khoảng 2.700 HSSV thì đến năm 2022 đạt hơn 3.200 HSSV và đến năm 2023 quy mô nhà trường đạt cao nhất là hơn 3.800 HSSV.
Số lượng HSSV tốt nghiệp hàng năm của nhà trường cũng tăng lên với những con số tương ứng với tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá luôn chiếm tỷ lệ trên 80%; trên 90% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên năm cuối đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc.
Hầu hết các nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động đào tạo của nhà trường đều đã được quy trình hóa và kế hoạch hóa mức độ cao.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong đổi mới công tác đào tạo tại nhà trường?
Hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề là xu thế bắt buộc. Đến nay, hoạt động hợp tác liên kết đào tạo của nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của nhà trường. Việc đi học tập tại doanh nghiệp đã trở thành nội dung bắt buộc đối với mỗi chương trình đào tạo của nhà trường và là một lợi thế rất lớn để cạnh tranh trong ngành.
Nhà trường đã xác định luôn phải chủ động trong mọi tình huống, tự điều chỉnh linh hoạt để thích nghi. Công tác đào tạo của nhà trường đến nay vẫn đảm bảo đạt được những mục tiêu đã đặt ra như trong tuyên bố “Sứ mệnh và Tầm nhìn” của nhà trường.
Xin cảm ơn ông!