Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung Nhịp cầu nối tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary Điểm xét tuyển đại học Trường Đại học Công nghiệp Việt -Hung ở mức 15 điểm |
Đào tạo nguồn nhân lực gắn liền với thực tiễn, nhu cầu xã hội, doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… đó là những lợi ích trong liên kết đào tạo giữa các trường trung học phổ thông, đại học với các doanh nghiệp hiện nay.
NGND. TS Nguyễn Đức Trí – Bí thư Đảng uỷ Hiệu trưởng nhà trường phát biểu trong Toạ đàm. Ảnh: Lan Hương |
Chia sẻ tại tọa đàm “Kết nối Giáo dục đào tạo giữa trường trung học phổ thông, trường đại học và doanh nghiệp” do Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 10/12, NGND. TS Nguyễn Đức Trí – Bí thư Đảng uỷ Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, tất cả mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng.
Cụ thể, ngày 2/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Tiếp đến, ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030”, đưa ra mục tiêu “Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”.
Mới đây nhất, tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố lấy ngày 1/10 hàng năm là ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam và truyền đi thông điệp: “Đổi mới để bứt phá vượt qua chính mình, sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại. Ngày hội Đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ là ngày hội tụ của trí tuệ nhân loại và lan tỏa lợi ích mạnh mẽ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là trái tim của đổi mới sáng tạo quốc gia, lan tỏa tư duy sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, tham gia vào quá trình định hình tương lai của nhân loại”.
Ông Nguyễn Đức Trí cũng nhắc lại lời khẳng định của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Nay đất nước ta lại sắp bước vào một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình với khát vọng về một Việt Nam hùng cường sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Mỗi chúng ta đều cảm thấy tự hào vì mình là người con đất Việt, đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm cá nhân của mình trước vận hội mới của dân tộc”.
Ký văn bản hợp tác giáo dục đào tạo giữa ba bên: Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền- Ba Vì, Trường Đại học Công nghiệp Việt- Hung và Công ty Công nghệ Công nghiệp Bưu Chính viễn thông VNPT ( VNPT Technology) |
Với tinh thần “Đổi mới sáng tạo, kết nối - chuyển đổi - lan tỏa”, Ông Nguyễn Đức Trí cho biết, sự kiện Kết nối giáo dục đào tạo giữa trường trung học phổ thông, trường đại học và doanh nghiệp là sáng kiến của 3 đơn vị: Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Ba Vì, Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung và Công Ty Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông VNPT (VNPT Technology) cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Theo Ông “Mục tiêu của chương trình là tổ chức các hoạt động gắn kết giữa các chủ thể lãnh đạo, quản lý của các nhà trường với doanh nghiệp; gắn kết các thầy cô giáo của trường trung học phổ thông với giảng viên của trường đại học và cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp; và đặc biệt là gắn kết các em học sinh trường trung học phổ thông với sinh viên trường đại học và người lao động của doanh nghiệp”, Ông Nguyễn Đức Trí cho hay.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động kết nối các em học sinh trung học phổ thông sẽ có thêm những kiến thức thực tế cần thiết để tự mình quyết định về con đường học tập và lao động sau trung học phổ thông.
Em Phùng Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A9 Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Ba Vì chia sẻ trong Toạ đàm. Ảnh: Lan Hương |
Em Phùng Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A9 Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Ba Vì - bày tỏ, nỗ lo sau khi học xong lớp 12 sẽ phải định hướng tương lai như nào, chọn trường, chọn ngành ra sao để vừa phù hợp với học lực, điều kiện kinh tế, và để sau này có thể lo cho bản thân và gia đình.
“Đến với sự kiện kết nối giáo dục và đào tạo ngày hôm nay em cảm thấy rất vui vì những lo lắng, băn khoăn của mình được giải đáp. Em mong rằng với những định hướng các thầy cô giáo và từ nhà tuyển dụng sẽ giúp em có được lựa chọn tốt nhất cho tương lại sau này” - Quỳnh Anh bày tỏ.
Tương tự, em Hà Ngọc Anh (sinh năm 2006), sinh viên K48, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung cho biết, những tâm sự của các em học sinh trung học phổ thông chính là hình ảnh của bản thân em của đầu năm 2024 khi đang là học sinh lớp 12. Tuy nhiên, “khi được các thầy cô Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung về tận trường tư vấn tuyển sinh, sau đó có dịp đến thăm trường và được, trò chuyện, tiếp xúc và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các anh chị khóa trước nên em quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào trường” - Ngọc Anh kể.
Em Hà Ngọc Anh- Sinh viên khoá 48 Ngành Công nghệ Thông tin Trường Đại học Công nghiệp Việt- Hung phát biểu trong Toạ đàm |
Nữ sinh viên còn chia sẻ về bất ngờ lớn khi mới vào nhập học hơn 1 tháng đã được nhà trường giới thiệu tham gia thực tập luôn tại doanh nghiệp với tháng lương đầu tiên nhận được là hơn 5,2 triệu đồng. “Em được xếp làm tại công ty Viettel, còn một số bạn khác thì làm ở VNPT Technology, khi thực tập tại công ty, em được tham gia vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, mà lần đầu tiên em được thấy. Em rất phấn khởi với môi trường làm việc mới của mình, em được đi làm, được gặp gỡ nhiều anh chị trong dây chuyền, mở rộng được nhiều các mối quan hệ hơn, được cùng mọi người phối hợp làm việc để đạt chỉ tiêu mỗi ngày…” Ngọc Anh nói và cho biết thêm, “khi thực tập hưởng lương xong, về học tập tại trường em được các thầy cô dạy lý thuyết, được tham gia thực hành giúp em hiểu và cũng yêu chính ngành học Công nghệ thông tin của mình hơn”.