Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC): Ươm mầm ý tưởng sáng tạo
Không chỉ có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) hiện là đơn vị dẫn đầu về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Trực thuộc Bộ Công Thương, MITC là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và các trình độ thấp hơn trong lĩnh vực công nghệ như kỹ thuật địa chất, hóa chất, thông tin, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, cơ khí, kinh tế, môi trường; đồng thời là cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ phục vụ quản lý, sản xuất - kinh doanh của ngành công nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trao giải Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC Startup 2022 |
Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cao về nguồn nhân lực, MITC đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của thực tiễn. Một trong các giải pháp được nhà trường chú trọng đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, thông qua việc hợp tác với hơn 150 doanh nghiệp trên toàn quốc.
Đáng chú ý, nhằm gắn công tác đào tạo, nghiên cứu sát với thực tiễn, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của sinh viên đi vào cuộc sống, năm 2018, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của MITC đã được thành lập. Sau 4 năm, đơn vị đã tổ chức 50 chương trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cho khoảng 100 ý tưởng, dự án và hỗ trợ truyền thông cho 40 starup ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; giúp nhiều sinh viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh Phú Yên dần hiện thực hóa ý tưởng. Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo còn kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; kết nối khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc gia.
Mới đây, MITC cũng đã tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC-STARTUP năm 2022 dành cho sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đây là dịp để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái bao gồm các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Để hỗ trợ cho các dự án tham gia cuộc thi, đồng thời lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhà trường đã xây dựng môi trường khởi nghiệp sáng tạo gồm nhiều hoạt động như kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, thành lập Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đánh dấu sự hợp tác, gắn kết của mối quan hệ trường học - doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Đánh giá cao Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC-STARTUP năm 2022, lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh, thành công của cuộc thi chính là tạo môi trường trải nghiệm, nâng cao kỹ năng và kiến thức; giúp học sinh, sinh viên có cơ hội khám phá và thấu hiểu bản thân; lan tỏa, truyền cảm hứng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp; giúp nhóm khởi nghiệp hoàn thiện ý tưởng, đưa sản phẩm/dịch vụ ra thị trường… TS. Trần Kim Quyên - Hiệu trưởng MITC - chia sẻ, để hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Phú Yên phát triển, cần sự quan tâm, chung sức từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhằm tạo ra sự kết nối, hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Từ đó, các ý tưởng sáng tạo của thế hệ trẻ có thể ứng dụng vào cuộc sống, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
MITC hiện đã đưa học phần khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên như kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi, kỹ năng tự tạo việc làm cho chính mình. |