Trợ lực giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam rộng cửa vào Australia
Thị phần tăng trưởng liên tục
Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Trước đó, vào năm 2018, Australia từng là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam, nhưng sau 5 năm thực thi CPTPP, Australia đã trở thành thị trường đơn lẻ đứng thứ 5 của thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc).
Thị trường mở rộng cửa nhờ thuận lợi hóa thương mại và ưu đãi thuế quan từ CPTPP đã tạo cú huých để xuất khẩu thủy sản sang Australia có bước nhảy vọt.
Xuất khẩu thủy sản sang Australia vươn lên vị trí thứ 5. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục từ 197 triệu USD năm 2028 tới mức đỉnh 365 triệu USD năm 2022, sau đó giảm xuống 312 triệu USD năm 2023, trong bối cảnh sụt giảm chung của cả thế giới.
6 tháng đầu năm 2024, nếu tính ở khối CPTPP, Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2, chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tôm, cá tra và một số loài cá biển là các mặt hàng thủy sản chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, tôm chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang Australia; cá tra chiếm trên 12%, còn lại các mặt hàng cá chẽm, mực, cá trích, cá mú…
Việt Nam đang là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Australia, chiếm 19,8% về lượng và chiếm 21% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Australia trong năm 2023. Do cơ cấu mặt hàng thủy sản của Australia và Việt Nam không tương đồng, nên mặc dù Australia cũng là quốc gia có tiềm năng về thủy sản, nhưng nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn có chỗ đứng tại thị trường này.
Trong đó, mặt hàng tôm của Việt Nam thường chiếm trên 70% trong tổng trị giá nhập khẩu tôm của Australia, đặc biệt, tỷ trọng mặt hàng tôm đông lạnh mã HS 030617 chiếm tới 80% trong tháng 2/2024; các sản phẩm tôm mã HS 160521, 160529 đều chiếm tỷ trọng trên 50%; Thị phần cá tra các loại của Việt Nam cũng chiếm gần 100% tổng trị giá nhập khẩu của Australia.
Ở chiều ngược lại, Australia cũng là đối tác cung cấp thủy sản cho doanh nghiệp Việt Nam, với sản phẩm chủ đạo là tôm hùm đá với khối lượng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn/năm.
Tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao
Theo bà Phùng Thị Kim Thu - chuyên gia thị trường ngành hàng tôm VASEP, tuy có nhiều điểm thuận lợi, song Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng nuôi trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng nuôi trồng, chế biến. Cùng đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông thủy sản xuất khẩu sang Australia.
Ngoài ra, theo bà Thu, khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Bởi vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch kinh doanh dài hơi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Australia.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của Australia. Ảnh: Trung Chánh |
Để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của Australia. Cụ thể như thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo yêu cầu về nhãn mác, tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.
Đồng thời, mặt hàng thủy sản phải cũng phải đảm bảo về an toàn thực phẩm theo Luật Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia - New Zealand.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ; xây dựng, phát triển và kiểm soát chất lượng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng nuôi, cơ sở bao gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.
Song song đó, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa một cách bền vững, đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập khẩu khắt khe; Tập trung đầu tư gia tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao chất lượng cho các mặt hàng thủy sản để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Australia.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Australia để chuyển giao mô hình công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Australia phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam như công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống.... Đặc biệt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Australia, góp phần đưa hàng nông sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Về các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu nông sản, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các thông tin về thị trường, tình hình thương mại đầu tư, đánh giá tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Australia đối với các mặt hàng nông lâm, thủy sản. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định mới của Australia đối với các loại nông sản nhập khẩu.
Đồng thời hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp những giải pháp để tiếp cận thị trường cũng như những lưu ý để doanh nghiệp phòng tránh tình trạng gian lận thương mại khi hoạt động kinh doanh tại Australia.