Trạm biến áp không người trực - nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và quản lý vận hành an toàn
Trước yêu cầu về công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện ngày càng lớn. Công ty Điện lực Hà Nam (Pc Hà Nam) đã chính thức đưa hệ thống SCADA/DMS của Trung tâm điều khiển xa vào vận hành. Với mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước tự động hóa công tác sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, truyền tải điện năng để tăng năng suất lao động trong ngành điện, từng bước thích ứng với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực.
Mô hình trạm biến áp không người trực được Pc Hà Nam áp dụng đã, đang phát huy hiệu quả rõ nét. Việc làm này nằm trong lộ trình xây dựng lưới điện thông minh để hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa... PC Hà Nam đã đưa vào vận hành 09 TBA 110kV không người trực. Riêng đối với TBA 110kV xây dựng mới thì bắt buộc thiết kế theo tiêu chí không người trực nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải.
Cùng với đó là việc cải tạo nâng cấp các trạm biến áp 110kV thành các TBA không người trực có thiết bị điều khiển từ xa. Mô hình này đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện. Các trạm 110kV đang vận hành chế độ thao tác xa có giám sát tại chỗ.
TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Các TBA 110kV không còn công nhân trực vận hành thì các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa.
Với hệ thống điều hành SCADA việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm điều khiển xa và các TBA 110kV không người trực đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như trong công tác quản lý vận hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ. Việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Trạm 110kV Hà Nam |
Từ khi đưa SCADA/DMS vào hoạt động và chuyển các TBA sang mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên, trưởng kíp, kỹ sư SCADA tại Trung tâm đã quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các trạm. Khi vận hành, việc phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn rất nhiều bởi trên màn hình hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị tại các TBA 110kV, trên lưới trung áp xảy ra sự cố hay các bất thường. Tùy theo mức độ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên SCADA/DMS sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, thời gian nhanh chóng, chính xác.
Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý. So với trước đây, tình trạng các thông số vượt ngưỡng không còn xảy ra, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Sau khi đưa vào hoạt động, các TBA không người trực giúp giảm hơn 50% nhân lực vận hành, góp phần giảm chi phí, giảm thời gian và thao tác xử lý sự cố, nâng cao năng suất và độ tin cậy, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện.
Qua đánh giá thực tế, nhận thấy TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Rõ ràng, từ đây đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo. Việc vận hành TBA không người trực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năng, góp phần tạo ra bước đột phá trong điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị tại trạm biến áp; đồng thời tối ưu hóa nhân lực, tăng năng suất lao động trong công tác quản lý vận hành.
Công ty Điện lực Hà Nam vẫn luôn chủ động khắc phục, chú trọng, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và khoa học vào thực tế công việc. Đáng chú ý là việc phát triển lưới điện và quản lý vận hành hệ thống điện. Qua đó, góp phần nâng cao độ tin cậy trong việc cung cấp điện năng và tăng năng suất lao động.