Trà Vinh hiện có tất cả 13 làng nghề, trong đó, có 2 làng nghề hoa kiểng, 7 làng nghề thủ công mỹ nghệ, 2 làng nghề chế biến thực phẩm và 2 làng nghề sơ chế biến thủy sản. Tổng doanh thu hàng năm của làng nghề ước tính đạt trên 81 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.439 lao động với thu nhập bình quân 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, có hộ thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng…
Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề ở Trà Vinh không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh còn được bán sang các tỉnh lân cận: Vĩnh Long, TP.Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bến Tre…ngoài ra, sản phẩm cũng được các khu du lịch và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ tiêu thụ.
Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ phát triển làng nghề thông qua hoạt động liên kết thị trường |
Theo Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh, những tháng đầu năm 2019 nhiều hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã diễn nhằm giúp liên kết thị trường và phát triển làng nghề như: tổ chức 7 lớp truyền nghề cho 200 học viên, chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc Khmer... cho những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, tập trung chủ yếu vào các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong các làng nghề.
Trung tâm cũng tổ chức một chuyến đi học tập kinh nghiệm nhằm tìm kiếm máy móc thiết bị trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm, quà tặng tại tỉnh Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề được tiếp xúc thực tế những phương thức sản xuất kinh doanh, mô hình mới của cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh, từ đó định hướng đầu tư, đổi mới kỹ thuật và phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế để mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2018 toàn tỉnh có 2.065 hộ tham gia sản xuất, 83 cơ sở/Doanh nghiệp, 115 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã. Khu vực làng nghề này đã tạo ra một lượng giá trị sản xuất công nghiệp 622,375 tỷ đồng, chiếm 5,65% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành, giải quyết việc làm cho 9.953 lao động, chiếm 16,20% số lao động của toàn ngành công nghiệp.
Theo ông Sang, khu vực Làng nghề tại tỉnh Trà Vinh còn tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù mang nét văn hóa truyền thống của tỉnh như thảm dán từ đay, bộ đồ dùng nông thôn từ tre trúc, các sản phẩm điêu khắc… Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm mang nét đặc trưng của vùng như các loại tôm cá khô và bánh tét Trà Cuôn. Tuy nhiên hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế như giá thành sản xuất còn cao so với nhóm sản phẩm ở địa phương khác, các cơ sở chưa biết cách tổ chức sản xuất hiệu quả và quan niệm làm giá, khi có đối tác, thường chào giá cao.
Ngoài ra mẫu mã sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu, chưa độc đáo, thiếu dấu ấn đặc trưng, chưa khai thác hết giái trị lịch sử, văn hóa để hình thành những câu chuyện tạo dấu ấn sản phẩm cho khách hàng khi sử dụng.
Cũng theo ông Sang năng lực cung cấp và qui mô sản xuất làng nghề còn nhiều hạn chế, thiếu tính liên kết, không cùng đối tác xây dựng kênh tiêu thụ cơ bản, lâu dài…. Mặt khác, phần đông những hộ sản xuất hay cơ sở DN trong khu vực này có qui mô nhỏ nên khó tiếp cận với tổ chức tín dụng hay khó tìm được các khoản tín dụng thỏa mãn nhu cầu phát triển, vì thực tế sản xuất, tiêu thụ chưa thuyết phục được ngân hàng.
Trong thời gian tới, ngành Công Thương Trà Vinh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các Làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn kết các hoạt động sản xuất của Làng nghề với phát triển du lịch; Chú trọng tư vấn thiết kế nhãn hiệu, logo,… tiến tới xây dựng thương hiệu phục vụ cho quảng bá sản phẩm Làng nghề và tổ chức vận động thành lập các hợp tác xã để tạo cơ sở pháp lý trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán với các nhà thu gom, phân phối có uy tín trong và ngoài khu vực.
Ông Phạm Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, việc hỗ trợ xây dựng khu vực Làng nghề theo hướng hiện đại hóa - công nghiệp hóa sẽ giúp các Làng nghề, nghề truyền thống của tỉnh có bước phát triển ổn định, khôi phục được các nghề truyền thống có nguy cơ mai một, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh. |