Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác khuyến công và triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 vừa qua, ông Nguyễn Thế Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Trà Vinh - cho biết: Tổng kinh phí tham gia triển khai thực hiện khuyến công giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 35, 6 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công tại địa phương hơn 6,1 tỷ đồng; kinh phí khuyến công quốc gia hơn 1,8 tỷ đồng; kinh phí hoạt động tiết kiệm năng lượng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả gần 1,2 tỷ đồng. Quỹ Phát triển kinh doanh và liên kết thị trường (CLAR) 1 tỷ đồng; nguồn đối ứng của Cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) gần 25,2 tỷ đồng...
Những hoạt động trọng tâm của khuyến công gồm: Hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xử lý ô nhiễm môi trường; sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2006, toàn tỉnh có 5.957 công nghiệp nông thôn nhưng đến năm 2015 đã là 10.263 cơ sở, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.175 tỷ đồng.
Kết quả đáng khích lệ như trên do sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương địa phương. Mặc khác, có sự liên kết, trao đổi học tập kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các Sở Công Thương; nhận thức từ các cấp, ngành và doanh nghiệp tỉnh được nâng cao hơn...
Bên cạnh kết quả tích cực, hoạt động khuyến công vẫn gặp không ít khó khăn: Mức hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn thấp so với tổng vốn đầu tư. Thời gian đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia hàng năm và thời gian tổ chức thực hiện có khoảng cách tương đối xa nên quá trình triển khai đề án có sự biến động lớn về đối tượng thụ hưởng, định mức và nội dung hỗ trợ. Mặc khác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó khả năng hình thành doanh nghiệp đầu mối hạn chế.
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh - nhấn mạnh: Để hoạt động khuyến công giai đoạn 2016-2020 góp phần vào việc phát triển công nghiệp nông thôn hiệu quả hơn nữa, cán bộ khuyến công địa phương phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; chuyên nghiệp trong công tác chuyên môn; tích cực tuyên truyền, khuyến khích, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại.
Thời gian đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia hàng năm và thời gian tổ chức thực hiện có khoảng cách tương đối xa nên quá trình triển khai đề án có sự biến động lớn về đối tượng thụ hưởng, định mức và nội dung hỗ trợ. |