Sáng 11/10, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024.
Cầu tăng nhưng cung không tăng
Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại, trong đó, trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu/tháng; các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh; các làng nghề sơn mài khoảng 4.000 tấn; làng nghề gỗ khoảng trên 1.000.000m³ gỗ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững đối với các làng nghề. Tuy nhiên, ông Vương Đình Thanh – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội – cho hay, thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói, cao lanh, sừng… ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước.
Việc nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề ở Hà Nội phụ thuộc vào bên ngoài khiến các hộ sản xuất không chủ động được. Nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.
Chia sẻ về khó khăn này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) - cho biết, hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Do đó, các doanh nghiệp đã tự đi tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản nguồn cung nguyên liệu đảm bảo phục vụ quá trình sản xuất.
Một cái khó nữa được ông Nguyễn Văn Trung cho biết đó là thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, dẫn đến việc nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên. Với sự khan hiếm của nguyên liệu, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Bá Ngọc - Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam – cho hay, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại khó tăng. Ví dụ ngành gốm sứ, giá đất sét tăng trên 90% trong 5 năm gần đây, giá cao lanh cũng tăng 75%...
Công tác kết nối là chưa đủ
Hà Nội được ví là “đất trăm nghề” và có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu, trong khi đó, do đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên nguyên liệu cơ bản phải nhập từ địa phương khác.
Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6 đến 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.
Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thành phố đề ra, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định.
Đưa ra khuyến nghị về việc này, Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Trong khi Lào lại có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các chuyên gia cũng cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất; định hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển làng nghề Hà Nội để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm...