Phú Yên: Khuyến công địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm thế mạnh Kiên Giang: Khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm |
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 91,301 tỷ đồng. 9 tháng năm 2024, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 25,297 tỷ đồng.
Trong tổng số 6 nội dung khuyến công đã được triển khai, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được tập trung triển khai.
Theo đó, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được 1 mô hình trình diễn kỹ thuật, 54 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Kinh phí thực hiện 11,789 tỷ đồng, đạt 22,14% kế hoạch năm.
Hỗ trợ máy móc thiết bị là nội dung được công tác khuyến công khu vực phía Nam tập trung triển khai. Ảnh: Hồng Đào |
Dù là nội dung được chú trọng triển khai, tuy nhiên, tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV, năm 2024, diễn ra tại Kiên Giang vừa qua, đại diện nhiều Sở Công Thương đã phản ánh những vướng mắc trong thực hiện nội dung này.
Theo đại diện Sở Công Thương Kiên Giang, địa phương đang thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2022-2024 trong hỗ trợ phát triển ngành chế biến nước mắm. Đề án hầu hết được triển khai trong lĩnh vực hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tuy nhiên, kinh phí cho năm 2024 chưa được phân bổ đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án theo kế hoạch.
Cùng đó, nguồn ngân sách cấp cho đề án vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của các cơ sở, nhất là hỗ trợ các dự án đầu tư hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Do đó chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy mạnh việc đầu tư của các cơ sở chế biến nước mắm.
Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai thông tin, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh không muốn tham gia nội dung này bởi mong muốn đảm bảo bí mật công nghệ và lợi thế cạnh tranh.
Hơn nữa, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn không hấp dẫn do cơ sở không có khả năng đầu tư một lần hoàn chỉnh hệ thống xử lý môi trường để đảm bảo đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định, một số địa phương không đăng ký đề án trong nhiều năm. Các địa phương có đề án nhưng nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.
Trước phản ánh của các địa phương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - cho hay, định mức cho các nội dung khuyến công được quy định tại Thông tư số 18/TT-BTC về Quản lý sử dụng kinh phí khuyến công. Hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công chưa được ban hành, do vậy mức chi vẫn tuân thủ theo các quy định cũ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cũng cho hay, để nâng cao sức hút cho công tác khuyến công nói chung, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nói riêng, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia đã được phân bổ kinh phí. Sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đúng yêu cầu và đảm bảo các quy định hiện hành.
Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.