Mất dần lợi thế cạnh tranh
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) của TP đạt 38,1 tỷ USD, riêng 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện TP có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, dự kiến năm 2019 sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỷ USD; giày dép khoảng 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ 1,6 tỷ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng…
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy hoạt động XK của TP tiếp tục phát triển nhưng số liệu thống kê cho thấy đã có những dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây không cao, dưới 10%/ năm; Cơ cấu XK chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh từ diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2017 -2018, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012 và gần đây nhất là tác động xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, từ trước năm 2010, TP Hồ Chí Minh luôn đóng góp trên 50% tổng kim ngạch XK của cả nước, nhưng tỷ trọng này đang giảm dần và hiện giờ TP chỉ đóng góp 16% trong tổng kim ngạch XK. Đặc biệt, từ năm 2013, 2 địa phương là Thái Nguyên và Bắc Ninh đã có bước nhảy vọt về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Gần đây Bắc Ninh đã có bước tiếp cận gần với kim ngạch xuất nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá nguyên nhân của tình trạng này, Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp.
XK của TP. Hồ Chí Minh vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển XK theo lợi thế so sánh của TP. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ XK cho từng ngành còn thiếu tính hệ thống và kém hiệu quả; Chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển XK trong những năm trước vẫn còn dàn trải, thiếu tính chiến lược dài hạn.
Chính vì thế, "yêu cầu cấp thiết là phải nhận dạng lại bức tranh chung về XK của TP. Hồ Chí Minh, trong đó đánh giá lại một cách có hệ thống và khoa học nền tảng cho XK của TP. Hồ Chí Minh và sự gắn kết của xuất khẩu của TP với các vùng lân cận. Từ đó định vị nhóm ngành/sản phẩm mà TP cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới” – ông Khải nhấn mạnh.
Xây dựng hướng phát triển lâu dài
Phân tích về tình hình thị trường, nhiều đại biểu đồng tình về vấn đề hiện nay, các sản phẩm truyền thống như: dệt may, da giày, nông – thủy hải sản, cao su – hóa chất, và đồ gỗ... đóng vai trò quan trọng vì đây là những sản phẩm có quy mô XK lớn, có lợi thế so sánh, tính khả thi cao. Tuy nhiên cũng đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế (giá lao động và mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng), đồng thời mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hoá thấp.
Các sản phẩm nổi bật, quan trọng như điện tử, cơ khí chế tạo linh kiện... là những sản phẩm có mức độ tinh vi cao, nhiều tiềm năng, nhưng có tính khả thi thấp do nền tảng năng lực sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu là đến từ doanh nghiệp FDI.
Theo đó, Tiến sĩ Đinh Công Khải cho rằng, trong ngắn hạn TP. Hồ Chí Minh vẫn phải duy trì những nhóm ngành hiện hữu có quy mô XK lớn, tạo nhiều công ăn việc làm và thu ngân sách như: điện tử, dệt may, da giày, nông – thủy hải sản, cao su – hóa chất, và đồ gỗ theo lợi thế so sánh của TP, nhưng phải tích cực chuẩn bị các nền tảng cho việc nâng cấp công nghiệp và dịch chuyển cơ cấu XK trong dài hạn.
Chiến lược dịch chuyển cơ cấu XK liên quan đến nhóm sản phẩm hàng hóa bao gồm 2 định hướng chính: giảm dần các hoạt động sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều lao động để chuyển sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ XK nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm này. Song song với đó là chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và XK các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Để cụ thể hóa các bước phát triển, chuẩn bị cho sự phát triển đồng bộ về đầu tư, xuất khẩu, các đại biểu cũng nêu lên nhiều giải pháp về vấn đề đầu tư khu công nghệ cao; xây dựng mạng lưới tăng cường tính kết nối hạ tầng logistics của vùng kinh tế trong điểm phía Nam; nâng cao hiệu quả xúc tiến XK theo hướng gắn kết mặt hàng XK với thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế…
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương |
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp trong hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm XK của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là hết sức tự nhiên, đúng quy luật của nền kinh tế. Việc phát triển XK phải gắn với 3 trụ cột chính là: thị trường, sản xuất và công tác tổ chức.
Các đại biểu bàn luận bên lề Hội nghị |
Trong đó công tác phát triển thị trường được nước ta hết sức tập trung với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đang trên con đường hiện thực hóa. Nhờ hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, các doanh nghiệp XK đang có điều kiện hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, song song với đó, các doanh nghiệp phải tập trung tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm dịch thực phẩm, đảm bảo chất lượng nguồn hàng để tránh đi những rào cản thương mại khác có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc còn diễn biến hết sức phức tạp.
Theo đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp cùng các Sở Ban ngành, Hiệp hội... hỗ trợ các địa phương về thông tin, đào tạo, định hướng cung cấp thông tin để doanh nghiệp có thể áp dụng tốt nhất các lợi thế trong FTA.