Thứ hai 23/12/2024 08:51

TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục tái diễn tình trạng mạo danh ngành điện để lừa đảo

Khách hàng tại TP.HCM tiếp tục nhận được cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng nếu không thanh toán ngay.

Thời gian gần đây, hiện tượng giả danh nhân viên điện lực gọi cho khách hàng để lừa đảo tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tái diễn phức tạp, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành điện và làm cho khách hàng hoang mang, lo lắng. Mặc dù trước đó, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã có nhiều cảnh báo về hiện tượng vi phạm trên.

Trung tâm Chăm sóc khách hàng (thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh) nhận được 3.185 phản ánh của khách hàng về hiện tượng giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo

Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh), đến nay, Trung tâm đã nhận được 3.185 phản ánh của khách hàng trên toàn quốc phản ánh về các cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng nếu không thanh toán ngay, yêu cầu liên hệ nhân viên điện lực tư vấn (giả danh).

Một số trường hợp tự xưng nhân viên điện lực gọi điện thông báo được hoàn trả tiền điện và yêu cầu kết bạn qua zalo để được hỗ trợ; hoặc giả danh nhân viên điện lực đề nghị kết bạn qua zalo để hướng dẫn cài đặt App; hoặc giả danh nhân viên ngành điện lập các trang web kêu gọi góp vốn cho các dự án năng lượng…

Đáng chú ý, có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh, thành khác hoặc tự xưng là Điện lực Việt Nam gọi đến với nội dung như sau: Điện lực Việt Nam cảnh báo tiền điện tăng bất thường, tạm ngưng điện khách hàng và hướng dẫn khách hàng bấm phím 9 để biết thông tin cụ thể. Các đối tượng thực hiện cuộc gọi còn đe dọa nếu không thanh toán tiền điện sẽ bị cắt điện. Khi biết thông tin khách hàng đã thanh toán thì các đối tượng này lập tức cắt máy.

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hiện tượng nói trên đều là giả danh ngành điện, với mục đích lừa đảo khách hàng sử dụng điện để chiếm đoạt tài sản.

“Dấu hiệu nhận biết các cuộc gọi này là số điện thoại không phải là điện thoại định danh của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (không có chữ EVNHCMC khi hiện số cuộc gọi); điện thoại gọi đến có số nước ngoài; không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý địa chỉ sử dụng điện của chính khách hàng; báo nợ tiền điện ở các tỉnh, thành khác dù khách hàng chỉ ở TP. Hồ Chí Minh hoặc ngược lại cũng có những cuộc gọi cho người dân ở các tỉnh thành thông báo nợ tiền điện tại TP. Hồ Chí Minh…” - Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh lưu ý.

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh liên lạc với khách hàng qua Voice Brandname là “EVNHCMC” đối với mạng Viettel và Mobifone. Đối với các nhà mạng khác sẽ hiện thị số điện thoại 028 22201155

Để khách hàng dễ phân biệt và cảnh giác với các cuộc gọi giả danh nhân viên Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh để lừa đảo hoặc khai thác thông tin cá nhân, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các nhà mạng Viettel và Mobifone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) khi liên lạc với khách hàng. Tên định danh hiển thị trên điện thoại di động của khách hàng là “EVNHCMC” sẽ giúp cho khách hàng biết là đang giao dịch với nhân viên của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Đối với các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại 028 22201155.

Trong trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng. Tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh qua Tổng đài 1900.545454 hoặc cơ quan công an các địa phương.

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề nghị Công an TP. Hồ Chí Minh vào cuộc, điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Công an Thành phố cũng đã yêu cầu Công an các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các hành vi giả mạo nhân viên điện lực để người dân biết, phòng tránh.

Nhân viên ngành điện TP. Hồ Chí Minh thường xuyên hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng EVNHCMC (app) trên điện thoại để tiện thông tin, giao dịch với điện lực

Đối với việc khách hàng còn nợ tiền điện, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh có thông báo qua SMS/ZML từ số điện thoại có tên thương hiệu EVNHCMC hoặc từ email cskh@hcmpc.com.vn, hoặc qua ứng dụng EVNHCMC CSKH, hoặc nhân viên điện lực sẽ gọi điện để thông báo khách hàng thanh toán đúng hạn và thông báo tạm ngưng cung cấp điện sau 15 ngày và 2 lần thông báo.

Khi liên hệ khách hàng qua điện thoại, nhân viên điện lực đều sử dụng cuộc gọi định danh, chủ động giới thiệu họ tên, mã nhân viên và đơn vị công tác (là các công ty điện lực quận, huyện thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh). Căn cứ thông tin khách hàng sẵn có, nhân viên điện lực sẽ hỏi khách hàng về địa chỉ sử dụng điện để xác nhận đúng đối tượng cần liên hệ. Trường hợp không đúng đối tượng liên hệ thì sẽ không tiếp tục cuộc gọi.

Để không bị rủi ro đối với các cuộc gọi mạo danh, ngành điện khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua các kênh thanh toán điện tử tin cậy như: Ứng dụng EVNHCMC CSKH, ví điện tử (Payoo, Airpay, ZaloPay, MoMo, ViettelPay, VNpay, VNPTPay, ViMo…), Internet/SMS/Mobile Banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng). Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7 (B’mart, Circle K, Family mart…), siêu thị điện máy (Thế giới di động, Điện máy Chợ lớn, Viễn thông A, FPT…), siêu thị Coopmart…

“Để được phục vụ và hỗ trợ thêm thông tin, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.545454 hoặc email cskh@hcmpc.com.vn hoặc ứng dụng EVNHCMC CSKH hoặc fanpage https://www.facebook.com/evnhcmc1900545454” - Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đề nghị.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: lừa đảo

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)