TP. Hồ Chí Minh: Thương mại phát triển nhanh nhưng nảy sinh nhiều phức tạp
Báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 đạt 574.984 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 373.368 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 12,7%), chiếm 64,94% trong tổng mức hàng hóa kinh doanh.
Thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng ổn định. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phát triển được 239 chợ, 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế với số lượng điểm bán đạt 151/205 siêu thị (tỷ trọng 73,6%), các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao trên 67%.
Ông Nguyễn Phương Đông- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - giải đáp những vấn đề nóng cho báo chí liên quan đến hoạt động ngành Công Thương của thành phố |
Ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố từ đầu năm đến nay đạt mức tăng cao là do 2 yếu tố cốt lõi là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng luôn giữ được ở mức cao, đồng thời tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, một số lĩnh vực tiếp tục nóng như chất lượng hàng hóa trong kinh doanh thương mại điện tử, thịt heo, xăng dầu, hàng kém chất lượng, nguồn gốc hàng hóa…
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, tình hình tiêu thụ xăng E5 trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, doanh số bán ra không tăng không giảm so với trước, tức bình quân khoảng 2.000m3/ngày, tương đương 60.000 m3/tháng. Liên quan đến đường dây làm xăng giả của Trịnh Sướng tại Sóc Trăng, ông Phương thông tin, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đến quản lý xăng dầu của thành phố kiểm tra, xác minh, đến thời điểm này công việc vẫn tiếp diễn và chưa có kết quả kiểm tra.
Do dịch tả heo châu Phi lan rộng, thị trường TP. Hồ Chí Minh chịu tác động mạnh nhất vì đây là thị trường tiêu thụ đến 10.000 con heo/ngày. Hiện tại giá cả mặt hàng thịt heo vẫn ổn định, dự báo giá heo hơi tăng nhẹ trong ngắn hạn 1-2 tuần tới và kỳ vọng nguồn thịt heo cho thị trường Tết sắp tới sẽ ổn định. Hiện nay giá heo hơi loại một là 38.500 đồng/kg, giá heo hơi loại hai 35.000 đồng/kg; giá thịt heo mảnh loại một 48.000 đồng/kg, loại hai 40.000 đồng/kg.
Theo ông Phương, sản lượng tiêu thụ tại chợ giảm nhưng ở siêu thị tăng nhẹ. Riêng sản lượng tiêu thụ thịt gia cầm tăng 10-15% là do sản phẩm thay thế thịt heo, giá ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo qua cửa khẩu Hải quan TP. Hồ Chí Minh là 5.647 tấn, kim ngạch 10,29 triệu USD, tăng về lượng gần 4.800 tấn, tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước như Brazil là 2.368 tấn, Hoa Kỳ (874 tấn), Ba Lan (848 tấn); Bỉ (238 tấn), Hà Lan 210 tấn. “Lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước và nhiều rào cản về thương mại với các nước được dỡ bỏ. Hầu hết các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm, ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, nếu có chủ yếu là thịt heo đặc sản hoặc thịt heo cao cấp”, ông Phương chia sẻ thêm.
Tuần lễ hàng Đà Lạt - Lâm Đồng tổ chức tại siêu thị Aeon Tân Phú, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, một hoạt động xúc tiến thương mại thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mua sắm vào đầu tháng 7/2019 |
Trong kinh doanh thương mại, hoạt động thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực bộc lộ nhiều phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng đã tốn nhiều công sức để kiểm soát trong thời gian gần đây. Những vấn đề phức tạp trong kinh doanh thương mại điện tử là bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng quảng cáo hay nhưng thực chất không đúng như lời rao bán, nhiều địa chỉ còn bán cả hàng giả, thậm chí còn bán cả súng.
Ông Trần Minh Hóa - Phó chánh Thanh tra Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, theo báo cáo và chứng từ do Công ty Recess (đơn vị quản lý www.lazada.vn) cung cấp, có 125 giao dịch các thiết bị lắp ráp súng được đăng ký trên www.lazada.vn và đã mua thành công 69 loại sản phẩm từ các nhà cung cấp từ Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, 12 giao dịch do 2 thương nhân đăng ký kinh doanh tại Bình Dương và Hà Nội thực hiện và 113 giao dịch do thương nhân tại Trung Quốc.
Qua xác minh, đoàn kiểm tra ghi nhận, Công ty TNHH Recess cùng với các thương nhân trên sàn www.lazada.vn có dấu hiệu vi phạm một số quy định trong hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trên website. Theo ông Hóa, vụ việc hiện đã được bàn giao cho Cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra nguồn gốc các sản phẩm do DN này đang kinh doanh và cơ quan công an để xác định đặc tính nguy hiểm của các loại sản phẩm này khi kinh doanh công khai trên thương mại điện tử.